Bài học “Một xã hội cộng sản lý tưởng”

Ngô Đình Thu - DienDanCTM
Ngày 17/4/1975, Cộng Hòa Khmer của Tổng Thống Lon Nol sụp đổ thực sự báo hiệu ngày tàn của cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai. Nước Campuchia Dân Chủ ra đời và lập tức gây kinh hoàng chẳng những cho bảy triệu người Khmer mà còn cho bất cứ ai trên toàn thế giới quan tâm đến quyền sống của con người nói chung.
“Khmer Đỏ”, mà cựu vương Sihanouk gọi là Khmer Rouge, chỉ trong bốn năm cầm quyền ngắn ngủi từ 1975 đến 1979 đã nêu cao "danh tiếng" của những lãnh tụ cộng sản Campuchia như những người đại diện cho sự diệt chủng có một không hai trong thời hiện tại. Xuất thân từ những sinh viên Khmer thân cộng du học tại Paris, sau tháng 4 năm 1975 những Pol Pot (Saloth Sar), Ieng Sary, Khieu Samphan nhanh chóng trở thành những nhà lãnh đạo đầy quyền lực của một đất nước nghèo nàn vừa thoát khỏi chiến tranh. Quyền lực của họ là tuyệt đối và vô biên vì lúc đó họ là những người chiến thắng.

Những người cộng sản Khmer theo chủ nghĩa Mao hiếm có ấy, trong cuối thế kỷ 20 đã dùng chính dân tộc mình để kiến tạo thiên đường xã hội chủ nghĩa “trong sạch”, bất chấp phương tiện thực hiện và hậu quả của nó. Những gì Khmer Đỏ đã làm ở Campuchia với người Campuchia đã được thế giới nói đến rất nhiều và rất rõ ràng, tưởng chỉ cần nhắc lại đôi điều chính yếu.
Để nhanh chóng xây dựng thành công một xã hội cộng sản lý tưởng đuổi kịp và vượt qua các nước cộng sản đàn anh, các lãnh tụ Khmer Đỏ đặt ưu tiên đẩy mạnh kinh tế bằng cách huy động toàn bộ sức người của một dân tộc hiền hòa xưa nay chỉ biết vâng lời. Biện pháp cưỡng bách lao động là biện pháp thích hợp nhất đối với các nhà kinh tế chỉ huy nắm toàn bộ xã hội trong tay. Đó là hình ảnh những đại công trường, những công xã nhân dân thời “đại nhảy vọt” kiểu Mao đã thất bại thảm hại và giết chết hàng chục triệu người Trung Hoa vào những năm 58-60. Nhưng Khmer Đỏ có quyết tâm học tập toàn bộ chủ nghĩa Mao để vượt Mao trong lịch sử cộng sản có một không hai của mình. Nhân dân Campuchia “lao động quên mình” theo hiệu lệnh tiếng kẻng và tình nguyện nhận lại mỗi ngày một bát cháo loãng. Tất cả vì xã hội chủ nghĩa, tất cả vì sự hùng mạnh của Campuchia Dân Chủ, tất cả vì thiên đàng cộng sản.
Những kẻ thù của chế độ bị vạch mặt chỉ tên: trí thức, địa chủ, tư bản bóc lột, trung lưu, tiểu tư sản, sư sãi phản động, gián điệp ngoại bang, quan chức chế độ cũ, tất cả đều bị loại trừ. Sự xét xử thật nhanh chóng và kiên quyết, sự thi hành cũng kiên quyết và nhanh chóng không kém. Để tiết kiệm đạn dược, người ta thi hành án bằng xẻng cuốc dao búa như thời “nguyên thủy” và đúng bài học Tết Mậu Thân 1968. Những nhân vật chế độ cũ như hoàng thân Sisowath Sirik Matak, một trong “bảy tên phản bội” và gia đình ông là những nạn nhân trong ngày đầu tiên Phnom Penh được “giải phóng”. Sau khi Khmer đỏ mất quyền, người ta tính ra có từ 1 triệu 700 ngàn đến 2 triệu 200 ngàn người dân Campuchia chết hoặc mất tích trên khắp đất nước vì đủ mọi lý do.
Có lẽ ngày nay, người ta phải coi bốn năm cầm quyền của Khmer Đỏ là bốn năm mà chủ nghĩa cộng sản nguyên thủy được thực hiện đầy đủ và triệt để nhất theo cách hiểu của những người lãnh đạo Campuchia Dân Chủ, kể từ  năm 1848 là năm Tuyên Ngôn Đảng Cộng Sản ra đời. Không có chợ búa, không có đồng tiền, không có tư hữu, không có giao dịch xã hội, mọi thứ đều tập trung trong tay nhà nước nhân danh cuộc cách mạng vô sản. Một vùng trắng mênh mông của các cánh đồng chết, bên trên là Khmer Đỏ, bên dưới là nhân dân Khmer lao động như nô lệ . Khmer Đỏ làm nên kỳ tích của một nước “siêu cộng sản”, xóa bỏ mọi tàn tích cũ thật nhanh chóng với sự yểm trợ tận tình của đàn anh Trung Quốc.
Mặc dù sau đó Khmer Đỏ đã bị đẩy lùi khỏi Phnom Penh năm 1979 bởi một chính phủ cộng sản láng giềng, một số không ít các nước phương Tây vẫn giữ lập trường ủng hộ Campuchia Dân Chủ giữ chiếc ghế thành viên tại Liên Hiệp Quốc. Phải chăng dù bị lên án diệt chủng, nhưng Campuchia Dân Chủ của Khmer Đỏ vẫn mang giá trị của tính chính thống trước một cuộc xâm lăng của ngoại bang? Đạo đức chính trị hợp diễn cùng quân tử Tàu trong màn kịch sau cùng gọi là diệt chủng cũng không làm ai ngạc nhiên.
Mãi cho đến năm 1999, sau nhiều biến động và thất bại trong cuộc nội chiến với Hun Sen, Khmer Đỏ tan rã sau khi Pol Pot chết và lãnh tụ cuối cùng của nó, Ta Mok ra đầu hàng để thực hiện lời giao kết thực hiện hòa giải dân tộc của chính quyền Hunsen.
Câu chuyện về giấc mơ “Một xã hội cộng sản lý tưởng” chỉ là một giấc mơ kinh hoàng cách đây mới 36 năm, nhưng nó vừa được gợi lại với hình ảnh của những hung thần một thời ngự trị trên đất nước Chùa Tháp trước một phiên tòa được gọi là quốc tế.
Sau nhiều giằng co ở hậu trường chính trị, ngày 21/11/2011, một phiên tòa dự trù kéo dài bốn ngày đã được mở ra tại Phnom Penh với sự hỗ trợ của quốc tế và Liên Hiệp Quốc để tiến hành xét xử ít nhất ba cựu lãnh đạo Khmer Đỏ. Đó là Nuon Chea trước đây là phó chủ tịch đảng Cộng sản Campuchia, Khieu Samphan và Bộ trưởng ngoại giao Ieng Sary. Người thứ tư, Ieng Thirith (Khieu Thirith) Bộ trưởng Xã hội vợ Ieng Sary, cũng là em vợ Pol Pot. Ngoại trừ Saloth Sar đã qua đời năm 1998, hầu hết những lãnh tụ sừng sỏ một thời nay tuổi tác đã ngoài tám mươi, già yếu như những lão ông lương thiện, suốt đời bàn tay chưa hề nhuốm máu ngay cả con gà.
Nhưng giờ đây họ đang bị cáo buộc những tội danh như cưỡng bức công nhân, nông dân làm lao động nô lệ; thanh tẩy, tàn sát dã man trí thức, trung lưu và những người được gọi là “kẻ thù”của nhà nước. Nỗ lực của các lãnh tụ Khmer Đỏ nhằm mục đích tạo nên một nước Campuchia hoàn toàn mới, một xã hội cộng sản lý tưởng. Và quả thật họ đã chứng tỏ cho thế giới thấy những gì họ làm là chưa từng có. So vớI Đức Quốc Xã cũng thi hành diệt chủng, nhưng chỉ đối với dân tộc khác là dân tộc Do Thái. Khmer Đỏ thì chọn chính dân tộc Khmer làm vật thí nghiệm ngoan ngoãn suốt bốn năm, làm biến mất ¼ dân số Campuchia.
Nhiều người Campuchia cũng không tin là những kẻ cầm đầu Khmer Đỏ sẽ bị lôi ra trước tòa án để trả lời về những gì họ đã làm, khi thấy sau chiến tranh, họ vẫn sống an nhàn giàu có ở Pailin trong những căn nhà sang trọng. Như lời của ông Lars Olsen phát ngôn nhân của phiên tòa trong một bản tin của đài BBC “Nhiều người đã không bao giờ nghĩ tới ngày này sẽ diễn ra.” Quả thực như thế, nếu những quốc gia trước đây từng bao che cho Khmer Đỏ nay không móc tiền túi ra tài trợ thì phiên tòa quốc tế này chẳng bao giờ xảy ra. Trong khi đó, Trung Quốc vì dính líu sâu đậm với chế độ diệt chủng nên tận tình ngăn trở một phiên tòa như vậy được tiến hành để các lãnh tụ chóp bu Khmer Đỏ sống nhởn nhơ trên hai triệu oan hồn, cho tới ngày họ yên vui về bên kia thế giới.
Chính vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi cả ba nhân vật lãnh đạo Khmer Đỏ đã tự tin bác bỏ tất cả cáo buộc đối với họ. Nuon Chea, nguyên chủ tịch quốc hội, người thường được gọi là “Anh Hai” đã tự biện hộ trước tòa “Lập trường của tôi luôn luôn là bảo vệ quyền lợi người dân.”! Còn Khieu Samphan, người đứng đầu nhà nước Campuchia Dân Chủ tức Khmer Đỏ khẳng định ông ta đứng bên ngoài tập đoàn quyền lực Pol Pot và không hề hay biết gì về thảm kịch diễn ra trên đất nước này. Ông ta chế giễu bản cáo trạng của công tố viên người Anh Andrew Cayley là một “chuyện cổ tích thần tiên”! Ieng Sary thì cương quyết từ chối trả lời, trong lúc Ieng Thirith được trả tự do vì bệnh mất trí vào giờ chót.
Thật là mỉa mai khi một trang lịch sử đẫm máu của hai triệu người dân Campuchia bị chính những kẻ đã từng cầm quyền sinh sát trong tay phủ nhận một cách thản nhiên “không hề hay biết gì”! Có vẻ như bài học về một xã hội cộng sản lý tưởng của Khmer Đỏ vẫn chưa ai học được. Quyền lợi nhân dân, lòng yêu nước, lý tưởng giải phóng dân tộc, chống xâm lược ngoại bang được sử dụng như những bức màn che ngoại hạng phủ lên sự thật lịch sử. Chưa bao giờ sự dối trá, sự lừa bịp được đề cao thành phương pháp cai trị độc đáo như thời kỳ của những người cộng sản nắm quyền, không chỉ ở xứ Chùa Tháp.
Cũng vì lý do đó mà bà Theary Seng, một nhân chứng quan trọng còn sống sót nói phiên xử chỉ là sự dàn dựng giả hiệu. Bà Seng từ chối ra tòa vì những điều mà bà gọi là tình trạng tham nhũng, phân biệt đối xử và sự can thiệp của chính phủ Hun Sen, một cựu Khmer Đỏ. Vậy liệu những lời cảnh báo của công tố viên Andrew Layley trước tòa “Nếu người nào đưa đất nước tới một thảm họa như thế này thì quá khứ sẽ không buông tha người đó” có làm cho những chế độ coi sinh mạng nhân dân như cỏ rác phải chùn tay?
Nếu trước đây Victor Hugo nói “Chủ nghĩa cộng sản là giấc mơ của vài người nhưng là thảm họa của nhân loại” thì ngày nay sau gần bốn thập niên, hình ảnh về “Một xã hội cộng sản lý tưởng” của Khmer Đỏ vẫn là đại họa chưa phai mờ của dân tộc Khmer, đồng thời là một bài học không dễ học cho rất nhiều người.
Ngô Đình Thu

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More