Quốc Phương
Giáo sư
Nguyễn Huệ Chi, đồng chủ trì một trang mạng phản biện của giới trí thức Việt
Nam, trang Bauxite Việt Nam, nói với BBC
rằng Giáo sư Ngô Bảo Châu đã "tự mâu thuẫn" khi bàn về vai trò phản
biện của trí thức trong một phỏng vấn đăng ở Việt Nam gần đây.
Trước đó, phát biểu trên Tuổi
Trẻ Online hôm 20/01, nhà toán học được trao trải thưởng Fields của Việt Nam
nói ông "không đồng ý với việc coi phản biện xã hội như chỉ tiêu để được
phong hàm 'trí thức' và cho hay, theo quan niệm của ông "giá trị của trí
thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò
phản biện xã hội."
Bình luận về quan điểm này
của Giáo sư Ngô Bảo Châu, Giáo sư Huệ Chi cho BBC hay hôm 23/01:
"Nếu anh cặm cụi với
chuyên môn của anh, để anh làm ra một loạt sản phẩm cho xã hội, thì anh mới chỉ
là một người chuyên nghiệp trong một chuyên ngành nào đấy thôi, chứ không phải
là trí thức, hiểu theo nghĩa là người hiểu biết và dẫn dắt xã hội."
Theo Giáo sư Huệ Chi, đã
nói tới trí thức là phải nói tới những ai có "tầm nhìn" vào xã hội và
"lương tri" của trí thức phải có một "ánh sáng" để hướng
dẫn xã hội.
"Muốn thế, trước những
vấn đề lớn của đất nước và của cộng đồng, anh phải có ý kiến. Mà ý kiến này là
một ý kiến độc lập, tự anh, chứ không phải lệ thuộc bởi một thế lực nào hết,
thì đó mới là trí thức. Còn nếu không, anh chỉ là người làm chuyên nghiệp thôi."
Chuyên gia về văn học, văn
hóa Việt Nam cổ, cận đại cho rằng cách nghĩ của các trí thức "trùm
chăn" hay tự giới hạn mình ở trong "tháp ngà" trong quá khứ nay
không còn phù hợp nữa. Ông nói:
"Ngày xưa người ta gọi
là trí thức trùm chăn. Tức là chỉ nằm trong tháp ngà, rồi nói những điều cao
đạo, hoặc là chỉ làm những việc chuyên môn của mình để kiếm đồng tiền, kiếm
lương. Tôi nghĩ cách nghĩ như thế không toàn diện về trí thức."
Người từng nắm cương vị Chủ
tịch Hội đồng khoa học của Viện Văn học Việt Nam khẳng định: "Đã là trí
thức thì phải là người có tầm, có trách nhiệm và nghĩa vụ xã hội. Cho nên tôi
nghĩ phản biện xã hội là chức năng của trí thức, chứ không phải là chức năng
của ai hết."
Không 'sống lơ
lửng'
Tuy nhiên, trong bài trả
lời phỏng vấn với truyền thông trong nước hôm thứ Sáu, Giáo sư Châu cũng thừa
nhận tầm quan trọng của phản biện xã hội, cũng như sự trân quý đối với trí thức
và những ai phản biện xã hội. Ông nói với tờ Tiền Phong:
"Mặt khác, cần trân
trọng những người trí thức, hoặc không trí thức, tham gia công tác phản biện xã
hội. Không có phản biện, xã hội đã chết lâm sàng."
Song chính tại điểm này,
một lần nữa, Giáo sư văn học Nguyễn Huệ Chi tiếp tục "phản biện" nhà
toán học năm nay ở tuổi 40, và cho rằng Giáo sư Ngô Bảo Châu "mâu
thuẫn".
Ông nói với BBC: "Giáo
sư Ngô Bảo Châu cũng đã nói đến cái phần sau là nếu không có phản biện thì xã
hội chết lâm sàng. Nhưng trách nhiệm của cái xã hội chết lâm sàng ấy không đặt
vào vai của trí thức thì đặt vào vai ai?"
"Cho nên tôi nghĩ
chính Giáo sư Ngô Bảo Châu mâu thuẫn, bị rơi vào mâu thuẫn, chứ thực ra thì anh
ấy nói cũng không sai."
Người chủ trì trang mạng
Bauxite Việt Nam
tỏ ra tán thành với Giáo sư Châu rằng trí thức phải làm rất tốt phần chuyên môn
"chuyên sâu rất chuyên biệt của anh mà người khác không thể làm được."
Thế nhưng ông nhấn mạnh
thêm một đặc điểm nhận thức luận mà ông gọi là "nghĩa vụ xã hội" và
"nghĩa vụ cộng đồng" được xem là quan trọng để xác định căn cước, tư
cách và vai trò trí thức trong xã hội.
"Nhưng đồng thời anh
vừa là lương tri, vừa là ánh sáng của lương tri, mà vừa là nghĩa vụ mà do quá
trình hình thành trí thức của anh, anh ý thức được - tức là nghĩa vụ đối với xã
hội, nghĩa vụ đối với cộng đồng, thì anh phải làm việc hướng dẫn cộng đồng.
"Mà hướng dẫn cộng
đồng, tất nhiên là anh phản biện. Mà phản biện thì anh phải phản biện trên tinh
thần độc lập, không bị lệ thuộc vào bất cứ thế lực nào khác, thì đó mới là trí
thức."
Chuyên gia văn học Việt Nam còn lưu ý
rằng "trí thức sống ở trong một cộng đồng, chứ không phải là anh ta tách
rời và sống lơ lửng ở trên không trung."
Giáo sư Huệ Chi, ngoài ra cũng đưa ra một số nhận xét đáng chú ý liên quan
tới các động thái, hoạt động có liên quan tới Việt Nam trong thời gian vừa qua
của ông Ngô Bảo Châu, cũng như bình luận về quan điểm của một số trí thức, nhân
sỹ được BBC đăng tải gần đây trên bbcvietnamese.com xung quanh chủ đề trí thức
và Đảng lãnh đạo.
2 comments:
Bác Huệ Chi kính mến,
Theo cái nhìn của cháu thì từ hàng GS. TS. BS. KS. và Thạc Sỹ đều là thành phần trí thức. Đây là một vị trí đã định trong mọi quốc gia. Tuy nhiên hàng trí thức nầy có kiêm nhiệm thêm những nghĩa vụ trong xã hội hay không thì lại là một việc khác. Điều nầy là cháu căn cứ nơi đất nước cháu đang cư ngụ hiện nay. Và từ đó thì theo cháu là tại Việt Nam cũng sẽ không khác biệt.
Tuy nhiên trong hoàn cảnh đất nước Việt Nam ngày nay thì rất cần những sự lên tiếng và sự hướng dẫn của khối trí thức Việt Nam trong mọi lảnh vực để mọi nguời Việt Nam có cơ hội mở mang dân trí, để nhà nước nhận thức được
điều đúng hay sai trong chính sách của họ. Và từ đó thì họ sẽ chỉnh đốn hay sữa sai để phù hợp lòng dân.
Điều Bác mong, cháu mong và hằng triệu người mong chỉ là một điều mong muốn, bởi vì sự chọn lựa và quyết định là
của các người khác dù là trí thức, trung lưu hay là lao động v.v.
Thôi Bác cháu ta hãy để ai đó tự suy ngẫm lấy. Và đường ta đã định thì ta vẫn cứ đi thôi.
Và cháu tin là khi trời Việt Nam còn muôn vạn vì sao thì còn triệu trí thức sôi bầu nhiệt huyết.
Một tháng trước ngày bức tường Bá linh sụp đổ, chẳng thấy người trí thức nào ở Đông đức lên tiếng hoặc nhìn ra. Nay đến VN những vị trí thức nào, tính toán giỏi , cho giới lãnh đạo CS biết để còn tẩu tán tài sản, cao chay xa bay, nhưng ở đâu cũng có Việt kiều hết, khó có đường chạy.
Đăng nhận xét