Trí thức với vai trò phản biện: Chưa đủ!

Lê Nguyên Hồng - DienDanCTM

Thời điểm giao thoa giữa năm 2011 và năm 2012 là thời điểm mà Myanmar đã có những chuyển biến quan trọng về cơ bản trong việc dân chủ hóa thể chế chính trị. Ở Việt Nam chúng ta mọi việc dường như vẫn đang diễn tiến một cách chậm chạp. Ngoài những thành viên đấu tranh công khai chống Độc tài, mà số lượng khá khiêm tốn, còn lại vẫn chỉ là những tiếng nói phản biện xã hội chưa có sự gắn kết cần thiết của giới trí thức. Nhưng đó cũng là những tín hiệu báo trước cho một thời kỳ mới: Thời kỳ của những nhà trí thức yêu nước đứng ra gánh vác trách nhiệm trọng đại của mình.


Vấn đề phản biện là lẽ tự nhiên tất yếu. Trong xã hội văn minh, phản biện vừa là nhu cầu, vừa là trách nhiệm, đồng thời cũng là nghĩa vụ của giới trí thức. Nhưng rõ ràng là vấn đề phản biện ở Việt Nam hiện nay như “Phản biện xây dựng” (trong nội bộ thể chế chính trị Độc tài) và “Phản biện đối lập” (đứng trên quan điểm Dân chủ tiến bộ) vẫn còn đang bị hiểu rằng, chúng đồng nghĩa với nhau. Trên thực tế, chỉ có Phản biện đối lập mới có khả năng thay đổi được thể chế chính trị, còn đối với Phản biện xây dựng thì không!

“Trong xã hội chưa có dân chủ, phản biện chính là hình thức đấu tranh ôn hòa của ôn hòa, tức là cường độ thấp nhất của đấu tranh chính trị”  (trích từ bài Thế nào là phản biện?). Như vậy những tiếng nói của giới trí thức Việt Nam trong nước phản biện các vấn đề chính trị xã hội thực ra đã là những tiếng nói đấu tranh chính trị. Chỉ có điều, nó chưa có một tiêu chí và định hướng rõ rệt. Điều này các nhà trí thức yêu nước cần xác định rõ: Thay đổi thể chế chính trị là con đường duy nhất tiến đến Dân chủ đích thực.

Vừa qua phát biểu trả lời phỏng vấn của giáo sư Ngô Bảo Châu trên Báo Tuổi Trẻ có đề cập về vấn đề phản biện của trí thức, bài phỏng vấn này đã tiếp tục hâm nóng các diễn đàn mạng Internet. Đáng chú ý là nhận xét của giáo sư Nguyễn Huệ Chi đã đánh giá phát biểu của giáo sư Châu là “tự mâu thuẫn”. Nhưng xét cho cặn kẽ, ý kiến của cả 2 vị giáo sư kể trên đều đúng và đều có tính thuyết phục. Giáo sư Ngô Bảo Châu cho rằng: “Theo quan niệm của tôi, giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội”. Đây là câu nói đúng mà chưa đủ. Bởi lẽ phản biện xã hội cũng chính là một sản phẩm phi vật chất của giới trí thức. Chỉ khi nào người trí thức (cụ thể hơn là các nhà nghiên cứu khoa học như giáo sư Châu) sống hoàn toàn tách biệt ra khỏi đời sống chính trị xã hội thì câu nói trên sẽ được coi là đủ và đúng.

Cũng trong phát biểu của giáo sư Châu "không đồng ý với việc coi phản biện xã hội như chỉ tiêu để được phong hàm 'trí thức”, đây là việc ông đánh giá những tư tưởng coi phản biện xã hội là thước đo năng lực làm việc của giới trí thức. Trên thực tế, một nhà hoạt động chính trị đấu tranh chuyên nghiệp có đặc thù công việc khác hẳn một nhà nghiên cứu khoa học thuần túy, mặc dù hai người đó đều là nhà trí thức. Vậy một nhà trí thức không biết hoặc không muốn phản biện xã hội thì vẫn là nhà trí thức. Nhưng như vậy thì trách nhiệm của họ với xã hội đã có sự khiếm khuyết. Bởi không ai có thể phản biện xã hội thay cho giới trí thức được.

Lẽ tất nhiên, một người chuyên tâm nghiên cứu khoa học, không quan tâm đến chính trị xã hội vẫn là trí thức. Đồng thời một nhà hoạt động chính trị xã hội, một nhà đấu tranh chuyên nghiệp trong vai trò phản biện xã hội, đương nhiên cũng là một nhà trí thức. Rõ ràng là, đối với người này thì đẳng cấp trí thức hay “hàm” (như giáo sư Châu nói), là các sản phẩm phát minh về công nghệ, Toán học, Vật lý vv… Nhưng đối với người khác, đẳng cấp đó hoàn toàn có thể là các bản văn, ý kiến, phát biểu, phân tích, lập luận, từ vai trò phản biện xã hội và vai trò đấu tranh chống Độc tài của họ.  

Đối với riêng giáo sư Ngô Bảo Châu, những thành công trong việc nghiên cứu khoa học của ông là vô cùng to lớn cho nền Toán học Lý thuyết. Nhưng đối với đất nước Việt Nam hiện nay, nó không khác gì việc chúng ta phóng thành công tàu vũ trụ chẳng hạn. Cái mà người Việt Nam cần lúc này là một thể chế Dân chủ, là cơm ăn áo mặc, là tự do, là bình ổn giá, là việc làm, là công bằng xã hội. Nếu những người như giáo sư Châu làm và hướng dẫn nhân dân cùng làm để giải bài toán đó, ông sẽ trở thành anh hùng, là vĩ đại. Còn nếu không, ông cũng chỉ là một nhà trí thức như bao nhà trí thức bình thường khác. Giáo sư Nguyễn Huệ Chi đã đúng khi nhận xét:“Còn nếu không, anh chỉ là người làm chuyên nghiệp thôi."   

Cốt lõi vấn đề cần làm ở đây là gì? Đó chính là việc phải thay đổi (hay đổi mới) xã hội, đổi mới cả hai lĩnh vực: Khoa học kỹ thuật và chính trị. Nhưng dứt khoát chính trị phải đi trước, đổi mới trước. Mà muốn có dân chủ phải có vận động đấu tranh. Anh nghiên cứu khoa học cũng là đang đấu tranh với cái cũ, cái lạc hậu để phát triển. Anh phản biện xã hội cũng là đấu tranh với cái cũ cái lạc hậu để phát triển mà thôi. Trên thực tế, Độc tài kìm hãm khoa học phát triển bởi cơ chế độc đoán chuyên quyền, ê kíp, ô dù, gia đình trị của nó. Đó cũng chính là câu trả lời cho câu hỏi: Tại sao các nước phi dân chủ lại thường là rất nghèo, và chính trị cần phải đổi mới trước?

Vậy vai trò phản biện là trách nhiệm chung của giới trí thức, không thể là “độc quyền” của bất cứ ai. Nhưng như vậy sẽ là chưa đủ, vì phản biện xã hội mới chỉ làm công việc đầu tiên: “Nó tấn công vào nền chính trị phi dân chủ từ cấu trúc thượng tầng đến nền móng tư tưởng, trên tất cả các mặt của đời sống” (trích bài Thế nàolà phản biện?). Nhưng đó chỉ là "cuộc tấn công" lý thuyết và tư tưởng, vì phản biện xã hội mới chỉ giúp cho xã hội thấy rõ bản chất của vấn đề, từ đó mỗi người sẽ có tư tưởng hành động đúng. Cách mạng là hành động, không phải chỉ ngồi đó mà lý luận suông.

Nhưng chí ít, phản biện xã hội cũng có vai trò thức tỉnh quan điểm lạc hậu phi dân chủ của thể chế chính trị độc tài đang cầm quyền. Tất nhiên, yếu tố từ những áp lực trong quan hệ quốc tế cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng. Những chuyển biến tích cực đến chóng mặt tại Myanmar những ngày qua cho thấy: Một chế độ Độc tài cũng có thể biết “phục thiện” nhờ vận động đấu tranh bên trong và nhờ áp lực bên ngoài của quốc tế...

Những áp lực hiện nay từ chính phủ Hoa Kỳ đang tiếp tục “đè nặng” lên chế độ Cộng Sản ở Việt Nam. Đáng chú ý là các phát biểu phản đối sự vi phạm nhân quyền, đàn áp chính trị tại Việt Nam của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ. Động thái “cấm vận mềm” mới nhất đó là việc Hoa Kỳ gắn vấn đề nhân quyền vào việc buôn bán vũ khí sát thương với Việt Nam là một ví dụ điển hình.

Như vậy rõ ràng là chưa đủ, nếu giới trí thức Việt Nam mới chỉ dừng lại ở vai trò phản biện xã hội. Họ cần phải làm nhiều hơn trong vai trò người chủ nhân đất nước, đó là gánh vác trách nhiệm đấu tranh trực diện với chế độ Độc tài. Trong lúc này áp lực quốc tế mới chỉ có ý nghĩa ở vai trò giúp đỡ “tháo gỡ bế tắc”, còn việc xây dựng đội ngũ lại là chuyện của người Việt với nhau. Nếu không có đội ngũ đối lập đủ mạnh về số lượng và chất lượng (như Myanmar) thì dù cho nhà cầm quyền có mở rộng tự do chính trị, chúng ta cũng chưa có lực lượng nhân sự đối lập xứng tầm để hạ bệ thể chế Độc tài…

Lê Nguyên Hồng

2 comments:

người tranh đấu bất bạo động trên lẽ phải hay là những người sống tâm linh phát tâm tranh cải,luôn cả giới phản biện,tất cả đều làm rồi nhường lại vững chắc cho nhà khoa học hiện thực. đương nhiên nhà khoa học làm ra được,một khi sự sống con người bị đe doa hư hại thì khoa học đứng ra nhận trách nhiệm phải lo.

Những nhận định của bạn Lê Nguyên Hồng rất chí lý. Cảm ơn sự chia sẻ của bạn.

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More