Ai chôn vùi các chiến sĩ Trường Sa?

Lê Bắc Sơn – Lê Vĩnh    
Những ngày đầu tháng ba 24 năm trước, vùng biển Trường Sa của Việt Nam như sôi lên với việc Trung Cộng đưa lực lượng của hai hạm đội vào khu vực này, tăng số tàu của họ hoạt động thường xuyên ở đây từ 9 lên 12 tàu chiến gồm: 1 tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu hộ vệ pháo, 2 tàu đổ bộ, 3 tàu vận tải hỗ trợ LSM, tàu đo đạc, tàu kéo và 1 pông tông lớn (1). Thực ra, ngay từ cuối năm 1986, vùng biển Đông nói chung, đặc biệt là khu vực quần đảo Trường Sa, đã có những diễn biến phức tạp do các hoạt động do thám, khiêu khích của lực lượng Hải quân Trung Cộng. Đến mấy tháng cuối năm 1987, tình hình càng trở nên căng thẳng hơn với sự tăng cường lực lựợng của hải quân Trung Cộng cùng những hoạt động bất bình thường của họ tại vùng biển này. Trước
tình hình đó, bộ tư lệnh quân chủng Hải quân QĐNDVN đã ra mệnh lệnh chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu cho lực lượng bảo vệ các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Đồng thời chỉ đạo cho các lữ đoàn 125, lữ đoàn 172, trung đoàn công binh 83 chuẩn bị lực lượng và phương tiện sẵn sàng cơ động đến xây dựng công sự trên các đảo (2). Bước sang năm 1988 tình hình vùng biển Trường Sa nóng hẳn lên khi Trung Cộng cho quân chiếm đóng một số bãi đá thuộc khu vực quần đảo Trường Sa, cũng như cho tàu chiến ngăn chặn hoạt động của hải quân Việt Nam.
Đọc lại những gì được viết lại sau này về trận hải chiến Trường Sa năm 1988, người ta đều có thể thấy rằng, dù bị thiệt hại nặng nề trong trận chiến, nhưng với nhiệm vụ bảo vệ lãnh hải của tổ quốc, hải quân VN cùng các đơn vị chiến đấu hỗ trợ đã nỗ lực làm tất cả những gì có thể làm được trong hoàn cảnh lúc đó.
Trong bài viết vào năm 2008 kỷ niệm 20 năm trận hải chiến Trường Sa, dưới bút danh Phạm Trung Trực, một sĩ quan hải quân trong chiến dịch CQ 88 (3) bảo vệ Trường Sa lúc đó đã thuật lại rằng:
“Cuối tháng 2-1988 Hải quân Trung Quốc tăng thêm 4 tàu hộ vệ tên lửa, hộ vệ pháo xuống hoạt động ở khu vực quần đảo Trường Sa.
Tình hình trở nên hết sức căng thẳng. Bộ Tư Lệnh hải quân liên tục báo cáo lên trên xin ý kiến chỉ đạo. Một trong những nội dung đề nghị cấp trên giải đáp ngay: Trung Quốc là bạn hay thù. Chúng đánh ta, ta có đánh trả không?
Cấp trên vẫn im lặng hoặc trả lời không rõ ràng.”
Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ (đứng giữa hàng đầu) và thuỷ thủ tàu HQ-505, 
hình chụp tháng 5/1988 - Ảnh của Nguyễn Viết Thái

Từ chi tiết vô cùng quan trọng về thái độ vô trách nhiệm của lãnh đạo CSVN vừa kể, người ta hiểu được tại sao trong tình hình sôi bỏng đã kéo dài nhiều tháng, mà cuối cùng lực lượng tham chiến nhỏ bé và không thích hợp cho một cuộc hải chiến của hải quân Việt Nam tại chiến trường lúc đó đã phải bắt buộc quyết chiến với địch trong một tương quan lực lượng vô cùng chênh lệch về cả nhân số, chiến cụ lẫn hoả lực. Đối diện với một lực lượng hùng hậu của Trung Cộng như đã được nêu ở trên, lại được tăng cường thêm 2 tàu hộ vệ trang bị pháo 100mm trong đêm 13/3, phía hải quân Việt Nam chi có tàu HQ 505, HQ 604, HQ 605. Đây là những con tàu mà chức năng chính là vận tải. Ngay cả chiến hạm lớn nhất là HQ 505, một dương vận hạm của Hải Quân Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà để lại (4) có trọng tải 2 ngàn tấn, vận tốc tối đa 12 knot (12 hải lý/giờ, tức khoảng 22 km/giờ), vũ khí chính là 4 giàn hải pháo 40 ly ở trước mũi và sau lái cùng 4 đại bác 20 ly và dù sau này có cải tiến, trang bị gì đi nữa thì đây vẫn chỉ là tàu vận chuyển, không nhằm phục vụ mục tiêu hải chiến.

Kết quả một trận chiến tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng trong hải chiến thì kỹ thuật và hoả lực là những yếu tố chính để quyết định chiến trường. Với tương quan lực lượng như trên, người ta có thể thấy ngay phần thua thiệt sẽ về ai. Bất cứ ai đã từng ở ngoài chiến trường cũng đều biết về sự hoang mang, bất định khi lệnh lạc không rõ ràng; đặc biệt là những khó khăn cho sự quyết định của cấp chỉ huy ngoài mặt trận. Trong trận Trường Sa, bộ tư lệnh Hải Quân Việt Nam đã khẩn thiết yêu cầu giới lãnh đạo tối cao, tức Bộ chính trị đảng CSVN, có câu trả lời dứt khoát để có thể phối trí lực lượng và ứng xử thích ứng. Vì không thể có 2 cách dàn quân trái ngược với cùng một đối tượng. Đối tượng đó là bạn hay thù? Yêu cầu tối cần thiết và mang ý nghĩa sống chết này của các chiến sĩ Trường Sa chỉ được trả lời bằng sự im lặng của toàn bộ phận lãnh đạo đảng CSVN. Hậu quả thế nào thì mọi người Việt đã biết trong đau xót, đặc biệt qua các thước phim chiếu cảnh hải quân Tàu tàn sát binh sĩ Việt mà Ban Tuyên Giáo Trung Ương Trung Quốc hãnh diện tung ra báo đài và mạng Internet. Các đoạn phim này vẫn tiếp tục hiện diện và đập vào mắt mọi người trong suốt những năm tháng “16 Chữ Vàng và 4 Tốt” vừa qua, và đến tận giờ phút này.
Đọc những bài viết thuật lại lời kể của những người trở về từ Trường Sa dạo nọ (5), bên cạnh tinh thần chiến đấu hào hùng của các chiến sĩ Việt Nam, thỉnh thoảng người ta cũng thấy bàng bạc đâu đó những hệ quả của sự mâp mờ kể trên. Trong bài “Hải chiến Trường Sa 1988 trong hồi ức một người lính” (6), blogger Đoan Trang thuật lại lời của người lính biển Trường Sa, thiếu tá Nguyễn Duy Dương của tàu HQ 604, về trận Trường Sa ngày 14/3/1988 như sau:


Tàu Trung Quốc đổ bộ lên đảo Gạc Ma - (Nguồn: my.opera.com/hotrungnghia)


 “Buổi sáng sớm ngày 14/3/1988, HQ 505 và HQ 604 đang neo giữ đảo Gạc Ma thì tàu Trung Cộng kéo đến. Anh Dương kể lại một cách lõm bõm: “Họ gọi loa bằng tiếng Việt: ’K2 (mật danh của tàu HQ 604) rời đảo ngay. Đây là lãnh thổ của CHND Trung Hoa’. Tôi mới ngủ dậy, mặc độc cái quần đùi. Lúc đầu tôi còn trêu chọc họ cơ. Mình cầm bánh lương khô dứ dứ, họ cũng dứ lại, lương khô của họ còn to hơn! Thế rồi tàu Trung Cộng lùi lại cách đảo chừng hơn 1 hải lý (khoảng 1,8 km) rồi dùng tất cả hỏa lực bắn xối xả vào cả tàu và đảo. Anh Vũ Huy Lễ, thuyền trưởng của HQ 505, bèn lệnh cho tàu lao vào Cô Lin. Đối phương bắn như vãi đạn, đúng khi tàu ta đang đổ bộ…”. Cùng lúc đó ở hướng đảo Len Đao, hải quân Trung Cộng bắn rát vào chiếc tàu thứ ba, HQ 605. 
 
HQ 505 cháy một mảng lớn. HQ 604 chìm dần. (Còn HQ 605 chìm vào ngày hôm sau, 15/3). Anh Dương cùng đồng đội nhảy xuống biển, bơi về phía đảo Gạc Ma. 9 người bị phía Trung Cộng dùng câu liêm kéo lên, bắt được. Riêng anh bị trúng một nhát câu liêm vào đầu, máu chảy loang đỏ nước, choáng tới mức chìm xuống rất sâu nhưng rồi bị sặc, lại cố ngoi lên, bơi vào bờ. Tới nơi thì do kiệt sức, mất máu, anh ngất đi, được đồng đội sơ cứu rồi dùng xuồng nhôm rút khỏi đảo.”
Trận chiến chỉ kéo dài chừng một giờ. Trung Cộng chiếm được Gạc Ma, Việt Nam giữ được hai đảo Cô Lin và Len Đao.”
Ở một đoạn sau, cựu thiếu tá Nguyễn Duy Dương kể tiếp rằng:
“Nói rằng chúng tôi hồi đó hơi chủ quan thì không biết có đúng không, nhưng chẳng ai nghĩ là bên kia sẽ nổ súng, nã pháo, tấn công trên biển cả, cứ tưởng chỉ gây hấn thế thôi. Mỗi người được trang bị một khẩu AK nhưng lúc đó không ai mang súng theo người, để hết ở khoang hàng. Cuối cùng khi chiến sự xảy ra, bên tàu mình tay không, không một tấc sắt. Mà kể cả có vũ khí thì nói chung cũng không tốt, sự phòng bị về căn bản không đáng kể. Trang thiết bị của ta lúc đó đã quá cũ rồi. Tàu ta là tàu 400 tấn, nhập của Trung Cộng từ thời chiến tranh. Tàu đối phương khi ấy lớn gấp cả chục lần ta”.
Cũng chính trong hoàn cảnh ngỡ ngàng không biết địch hay bạn đó người ta biết được nhiều tấm gương hy sinh vì tổ quốc như Vũ Phi Trừ, Trần Đức Thông, đặc biệt là của thiếu uý Trần Đức Phương, với lời hô dũng liệt: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng hải quân anh hùng. Tổ quốc Việt Nam muôn năm.” Anh là người đầu tiên của hải quân Việt Nam hy sinh trong trận chiến bảo vệ quần đảo Trường Sa.
Ngay trước lúc hy sinh, Trần Đức Phương đã hô to:“Tổ quốc Việt Nam muôn năm”. Chính từ lòng yêu nước tự nhiên trong huyết quản mà Trần Đức Phương đã sáng chói chang trước giây phút hy sinh vì tổ quốc. Lòng yêu nước tương tự cũng thể hiện 9 năm truớc đó. Ngày 17 tháng 2 năm 1979, khi tiếng súng rền vang khắp biên giới phía bắc, 200 ngàn quân xâm lược bắc phương tràn xuống giày xéo thị trấn thôn làng Việt Nam; hung tàn đốt nhà, san bằng nhiều thị trấn, làng mạc, thì ngay lập tức hàng hàng lớp lớp thanh niên Việt đã lấy máu mình bảo vệ non sông.
Từng tấc đất Việt không chỉ đã thấm máu đào của cha ông trong lịch sử, trong quá khứ mà còn tiếp tục được giữ bằng xương, bằng máu của thế hệ hôm nay.
*****
Kể từ trận chiến biên giới phía bắc ngày 17/2/1979 đến nay, một phần ba thế kỷ đã trôi qua. Từ trận chiến Trường Sa ngày 14/3/1988 đến nay cũng đã gần một phần tư thế kỷ. Trong cũng từ 2 biến cố đó đến nay nhiều phần da thịt của tổ quốc, có nơi còn đang ôm ấp những bộ cốt của các chiến sĩ Việt Nam đã bị lãnh đạo đảng cắt lìa cho người “đồng chí” phương bắc. Hàng vạn chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh vì đất nước trong hai biến cố này nay không còn được nhắc tới. Họ nằm trong nhang lạnh khói tàn. Ngay cả những kẻ giết họ nay lãnh đạo đảng vẫn chỉ dám gọi là “tàu lạ”, “nước lạ”.
Tệ hại hơn nữa, các bia tưởng niệm những chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh dọc theo biên giới bị đập phá theo lệnh. Nhưng từng “đoàn đại diện nhà nước và nhân dân Việt Nam” lại lễ mễ bưng các vòng hoa “Đời đời nhớ ơn các Liệt Sĩ Trung Quốc” sang bên kia biên giới.
Trên báo chí lề phải chẳng báo nào dám tự ý nhắc tới 2 ngày trên. Thỉnh thoảng mới có tờ được phép đăng, như vào ngày 12/2/2012 cả làng báo mới thấy 1 bài viết mang tựa đề “Đi về phương súng nổ” của Ng. Phong trên tờ Thanh Niên (7), nói về chiến tranh biên giới phía Bắc ngày 17-2-79, nhưng nguyên một trang báo vẫn không dám nêu tên kẻ thù là ai. Trong khi đó thì đúng ngày 17/2 ông Tô Huy Rứa lại sỉ nhục vong linh của bao chiến sĩ, đồng bào bằng cuộc viếng thăm Trung Quốc. Dù cố tình hay ngay cả vô ý, ngày này chẳng có chút ý nghĩa gì đối với lãnh đạo đảng hiện nay. Phải chăng câu nói của ông Nguyễn Cơ Thạch, cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao khi tháp tùng chuyến đi khấu tấu của lãnh đạo CSVN với lãnh đạo Trung Công ở Thành Đô, tháng 9/1990 (8): “Thế là một cuộc Bắc thuộc mới rất nguy hiểm đã bắt đầu!” đã thành hiện thực.
Thế nhưng, bỗng dưng cuối tháng hai vừa qua, Thứ trưởng Ngoại giao CSVN Nguyễn Thanh Sơn, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, lại đột nhiên nhớ đến các tử sĩ Trường Sa, khi ông tuyên bố với một dúm người tự nhận là “đại diện báo chí Việt Nam ở nước ngoài” rằng, chế độ của ông năm nay sẽ tổ chức lễ tưởng niệm lớn cho các tử sĩ Trường Sa và mời các cựu quân nhân hải quân Việt Nam Cộng Hoà về tham dự.
Sau ít phút kinh ngạc về tuyên bố trên, người ta bật ra ngay hàng loạt thắc mắc. Nếu chế độ của ông Nguyễn Thanh Sơn thực sự kính trọng những hy sinh của các anh hùng đã nằm xuống vì tổ quốc, thực sự yêu nước, thực sự trân quí những con người yêu nước, thì tại sao chế độ của ông Sơn lại đang:
- Bắt giam những người yêu nước như Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Xuân Nghĩa, Bùi Minh Hằng và liên tục xách nhiễu bao người yêu nước khác?
- Đánh đập, bắt nguội, đuổi học, đuổi sở làm, đuổi nơi cư trú đối với những người biểu tình chỉ vì muốn tuyên xưng chủ quyền quốc gia Việt Nam?
- Tiếp tục ca tụng những kẻ đã và đang xâm chiếm đất nước là liệt sĩ, là láng giềng hữu nghị.  

Họ là thù hay là bạn?
- Tiếp tục từ chối phủ nhận công khai bức công hàm Phạm Văn Đồng, một văn bản trên giấy trắng mực đen mà Trung Cộng dùng làm nền tảng để biện minh cho hành động xâm lược của họ và thẳng tay bắn giết ngư dân Việt cho đến tận ngày nay?
- Tiếp tục dấu nhẹm các bản đồ biên giới dù đã ký gần 13 năm trước? Tiếp tục chính sách “Thà mất nước chứ không mất đảng”?
- Và còn nhiều thắc mắc khác nữa.
Qua những điểm vừa nêu, người ta thấy quá rõ lời tuyên bố của ông Nguyễn Thanh Sơn và những người chỉ thị cho ông nói chỉ là vở kịch lợi dụng sự hy sinh cao cả của những chiến sĩ Việt Nam để tiếp tục phết sơn che đậy cả một quá trình trao đổi xương thịt tổ quốc cho ngoại bang.
Hãy chờ xem sẽ có bao nhiêu người tiếp tay với vở kịch tàn nhẫn này.
- - -
Chú thích:
(1) “Hải Chiến Trường Sa 1988” (trích trong cuốn Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam 1955-2005), http://www.mohinhvn.org/forum/showthread.php?t=4137
(2) “Một Trang Sử Anh Hùng, Một Thời Kỳ Nhục Nhã”, Phạm Trung Trực. http://radiochantroimoi.com/spip.php?article5294
(3) CQ là viết tắt của hai chữ “chủ quyền”
(4) Dương Vận Hạm Nha Trang, là loại tàu đổ bộ LST (Landing Ship Tank)
(5) “Một Trang Sử Anh Hùng, Một Thời Kỳ Nhục Nhã”, Phạm Trung Trực.
(6) “Hải chiến Trường Sa 1988 trong hồi ức một người lính”, Đoan Trang, http://trangridiculous.blogspot.com/2011/03/hai-chien-truong-sa-1988-trong-hoi-uc.html
(7) “Đi về phương súng nổ”, Ng. Phong, báo Thanh Niên 12/2/2012, http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120211/di-ve-phuong-sung-no.aspx
(8) “Thời Kỳ Bắc Thuộc Mới”, Bùi Tín, http://www.vnfa.com/an11q3/1108_005.htm 


0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More