Bên trong đường hầm đập thủy điện Sông Tranh 2

Tô Văn Trường
Vết nứt bất thường trên 
đập thủy điện Sông Tranh 2
Ở nước ta, đã có nhiều sự cố vỡ đập, nứt đập xảy ra đặc biệt thập niên 90 ở Tây Nguyên. Gần đây, là vỡ đập thủy điện Hố Ô ở Hà Tĩnh. Lỗi vỡ đập do nhiều nguyên nhân, như thiết kế, thi công, quản lý, giám sát. Một trong các nguyên nhân bất cập là trong thiết kế chưa quan tâm đúng mức đến việc chứa lũ gia cường.

Trên thế giới, do các nguyên nhân về nền móng, thấm xói mòn, vật liệu đắp đập không đảm bảo chất lượng và các nguyên nhân do trượt, động đất, đường tràn xả lũ không thích hợp, v.v. nên đã có nhiều đập bị vỡ gây thiệt hại lớn về người và của. Đập Teton (Mỹ) cao 93 m dung tích 300 triệu m3, cách Newdale 5 km về phía Đông Bắc, hoàn thành năm 1976 bị vỡ. Nguyên nhân: từ 10/04/1976 có mưa lũ lớn, nước hồ lên nhanh; ngày 03/06/1976 xuất hiện thấm ở chân đập. Đến ngày 4/6/1976 xuất hiện thêm thấm ở bờ phải. Ngày 5/6/1976 thấm ở cả thân đập và hình thành vết nứt rồi vỡ đập vào hồi 11 giờ 30. Do vỡ đập vào ban ngày nên thiệt hại về người không lớn, nhưng đã phá hủy nghiêm trọng nhà ở của 25.000 người, nhiều công trình và đồng ruộng, thiệt hại ước tính khoảng 400 triệu đô la.


Ở nhiều nước khác, cũng đã xảy ra vỡ đập gây tổn thất lớn, như Ấn Độ năm 1979 vỡ đập Machuchet chết 2000 người; năm 1961 vỡ đập Panhet cao 49 m chết 1000 người. Ở Italia, đập bê tông trọng lực vòm Vaiont cao 265 m, năm 1963 bị sạt lở bờ, khoảng 300 triệu m3 đất đá rơi xuống lòng hồ tạo ra cột sóng vượt trên đỉnh đập 100 m làm chết 2600 người ở hạ lưu. Ở Pháp vỡ đập bê tông trọng lực vòm Malpasset cao 66 m làm chết 420 người. Malaysia năm 1961 vỡ đập Kuala Lumpur làm chết  600 người. Indonesia năm 1967 vỡ đập Sampot cao 60 m làm chết 200 người. Philippine năm 1976 vỡ đập  S.Tomas cao 43 m làm chết  80 người, v.v.

Sự cố đập thủy điện Sông Tranh 2 đúng là bất thường. Khẩn trương tìm ra nguyên nhân, có các giải pháp xử lý kịp thời trước mắt và  lâu dài là rất cần thiết.

Phóng viên báo Tuổi Trẻ gửi cho tôi một loạt các hình ảnh bên trong đường hầm của đập thủy điện sông Tranh 2 (xem hình ảnh kèm theo).

Cánh cổng chính vào đường hầm bên trong thân đập sông Tranh 2 được khóa kín, đến nay mọi thông tin về nơi này vẫn hoàn toàn nằm trong vòng “bảo mật”. Phóng viên báo Tuổi Trẻ theo chân một công nhân bò vào hầm phụ theo con đường hầm tối om cao khoảng 80 cm, dài gần 30 mét để lọt vào căn hầm chính ẩm ướt. Đường hầm rộng khoảng hơn 3 mét, cao hơn 2 mét, bên dưới đường hầm là 2 rãnh thoát nước để dành cho nước thấm kéo dài. Trên đường đi trong hầm hàng loạt can nhựa trắng đựng hóa chất kết dính nhanh nằm la liệt, xi măng, vôi vữa, dây điện, đục, búa tràn lan.
Những công nhân đang dùng những can nhựa đựng keo
để trám lại nước rò rỉ bên trong đường hầm. Ảnh: Tấn Vũ

Phóng viên không khỏi bàng hoàng vì nước ở đây xì ra tứ phía. Nước từ dưới bê tông chui lên như những mạch nước ngầm từ lòng đất, nước từ trong tường phun ra thành vòi, và đặc biệt là những cột nước đổ ầm ầm từ trần của căn ầm xuống nền bê tông nghe đanh cả tai. Như vậy, nước xì tứ phía cả trong và ngoài như dòng thác, đúng là nỗi lo này chẳng của riêng ai.
 Nước chảy bên những mương thoát nước bên dưới đường hầm,
cả hai bên đều có mương thoát nước thế này. Ảnh: Tấn Vũ

Nước bên dưới lớp bê tông trồi lên ùng ục như những
mạch nước ngầm đang tuôn chảy. Ảnh: Tấn Vũ

 Một số mương thoát nước vừa mới được đào lên,
theo các công nhân là để dẫn nước đi nơi khác. Ảnh: Tấn Vũ

 Rất nhiều cột nước từ trên trần của đường hầm, trên mái
của lớp bê tông tuôn ào ạt xuống như thế này. Ảnh: Tấn Vũ

 Một công nhân bên cột nước tuôn chảy ào ạt trong đường hầm
của đập chắn thủy điện Sông Tranh 2 – trưa 23/3. Ảnh: Tấn Vũ  


Để đánh giá một cách khách quan, khoa học cần phải kiểm định chất lượng công trình. Cũng như bệnh nhân, các “bác sĩ xây dựng” phải cho siêu âm, lấy mẫu, khoan, cắt lớp, qua trắc và hội chẩn. Hội chẩn trong ngành xây dựng, giao thông, thủy lợi là quyết định của các nhà quản lý.

Theo yêu cầu của báo Thanh Niên muốn tìm hiểu về phương cách kiểm định chất lượng công trình. Theo tôi hiểu, có 2 loại kiểm định. Cách thứ nhất là kiểm định công trình để cấp chứng chỉ an toàn. Cơ quan kiểm định phải tham gia từ giai đoạn lập hồ sơ khảo sát thiết kế, đến quá trình thi công, hoàn công, đánh giá tổng thể để có cơ sở cấp chứng chỉ. Loại kiểm định thứ hai là khi công trình có vấn đề xảy ra sự cố.  

Đập thủy điện sông tranh 2 thuộc loại phải kiểm định khi có sự cố. Để tiến hành kiểm định, cơ quan chủ đầu tư đưa ra đề cuơng yêu cầu. Cơ quan được thuê kiểm định đưa ra đề xuất kỹ thuật và tài chính để thực hiện. Công tác kiểm định chắc chắn phải kiểm tra đối chiếu hồ sơ khảo sát, thiết kế, hồ sơ quá trình thi công, hoàn công, quá trình giám sát, tổ chức giám sát, biểu đồ bố trí nhân lực, tay nghề. Về mặt kỹ thuật, phải kiểm tra lại địa chất nền móng công trình, chất lượng bê tông đầm lăn, khả năng chịu lực, đường thấm, tốc độ thấm. Kiểm tra hồ sơ chất lượng vật liệu bê tông đầm lăn của từng mẻ bê tông từ đầu vào như nước, nhiệt độ, xi măng, phụ gia. Đặc điểm của bê tông đầm lăn thường chỉ 60-70 kg xi măng cho 1 mét khối (bê tông cổ điển thường phải 450 kg/m3) cho nên bê tông đầm lăn thuộc loại khô và rỗng rất khó siêu âm. Cách tốt nhất ở Việt Nam là khoan lấy mẫu kiểm tra chất lượng vật liệu.

Cần nói rõ hơn về đánh giá rủi ro ở Việt Nam vẫn còn rất “tù mù” ngay cả ở nhiều nhà quản lý và nhà khoa học. Trên thực tế, đánh giá tác động môi trường  (Environmnetal Impact Assessment - EIA) và đánh giá rủi ro (Risk Assessment) là hai bộ môn khoa học hoàn toàn khác nhau. Trong đó, đánh giá rủi ro là nhiệm vụ của cơ quan chủ quản dự án và thường phải đi trước đánh giá tác động môi trường để có kết quả làm thông tin đầu vào cho EIA. Đánh giá rủi ro là phạm trù của khoa học dự báo, vì thế cần phải có ít nhất có 02 điều kiện cốt yếu: có đủ thông tin cần thiết và có phương pháp phù hợp. Dự báo rủi ro liên quan đến các yếu tố trên mặt đất đã khó, liên quan đến các yếu tố dưới mặt đất còn khó hơn nhiều. Việc nghiên cứu, điều tra, khảo sát để thu thập các thông tin về địa chất trong lòng đất là hết sức đa dạng, phức tạp và tốn kém; Việc tìm và lựa chọn phương pháp để dự báo rủi ro liên quan đến các vấn đề về địa chất cũng không đơn giản (cấu tạo địa chất, địa tầng, thạch học, cổ kiến tạo, tân kiến tạo, địa chất công trình, địa chất thủy văn…). Các khâu này ở nước ta cũng có rất nhiều vấn đề không chỉ riêng đối với thủy điện mà còn nhiều loại hình công trình khác nữa, như chúng ta đã từng thấy trong thực tế như: công trình thủy lợi, công trình giao thông (cầu, đường chưa đi hoặc mới đi thì đã hỏng …).

Thông tin mới nhất, người ta đã xử lý hạn chế tối đa việc phun nước ra ngoài thân đập thủy điện Sông Tranh 2.


Để đánh giá khách quan và khoa học, trị bệnh tận gốc, phải mời cơ quan tư vấn độc lập có tay nghề cao và uy tín vào kiểm định chất lượng công trình đập thủy điện Sông Tranh 2. 

T. V. T.
Nguồn: http://boxitvn.blogspot.com/2012/03/ben-trong-uong-ham-ap-thuy-ien-song.html#more

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More