Nhìn lại những vận động cho nhân quyền

Nhà báo tự do Bùi Văn Phú - BBC
Cuộc vận động của người Việt ở Mỹ
khiến Tòa Bạch Ốc phải đáp lời
 
Ngay sau cuộc họp với giới chức Bạch Ốc, tối ngày 5/3 trong một bữa cơm do Cộng đồng người Việt vùng Washington D.C., Virginia và Maryland tổ chức, nhạc sĩ Trúc Hồ phát biểu cảm nhận về sự đón tiếp của Bạch Ốc và coi cuộc đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam như một trận thể thao, nghĩa là có thắng, thua hay huề.

Theo lời anh, trận tập họp ở Thủ đô Washington này là huề.


Còn ca nhạc sĩ Việt Dzũng biểu tỏ mạnh mẽ sự không hài lòng với cách Bạch Ốc đón phái đoàn. Anh nói: “Với 100 nghìn chữ kí của người Việt Nam mà tiếp đón chúng ta như vậy là một sự vô lễ.” Anh cho rằng Toà Bạch Ốc đã dành cho người Việt một buổi hội thảo với sự đón tiếp của một số nhân vật cấp thấp, từ cơ quan mới thành lập và với những người chưa chuyên nghiệp. Vì thế anh và nhạc sĩ Trúc Hồ đã bỏ ra ngoài trước khi cuộc họp chấm dứt.

Phát biểu trong bữa cơm tối nhạc sĩ Việt Dzũng còn nói: “Nếu Tổng thống Obama không muốn nhận 100 nghìn lá phiếu đó, chúng ta sẽ đem số phiếu cho những người khác.”

Như thế nhạc sĩ Việt Dzũng đã minh định chuyện Bạch Ốc tiếp phái đoàn là muốn tìm sự ủng hộ của khối cử tri gốc Việt. Điều này đúng một phần vì mọi dân cử đều cần đến lá phiếu của dân. Nhưng theo tôi đó không phải là lí do chính để giới chức của Tổng thống Obama gặp phái đoàn.

Nhắc lại lịch sử

Hai thập niên trước, ngày 5/10/1992 Bạch Ốc cũng đã có cuộc gặp tương tự dành cộng đồng người Mỹ gốc Việt Nam, Cam Bốt và Lào mà tôi có tham dự. Vì còn một tháng trước ngày bầu chọn và Tổng thống George H.W. Bush, tức ông Bush cha, tái tranh cử nên nếu cho rằng ông Bush muốn kiếm phiếu của cử tri gốc Đông Dương thì luận điểm này đáng tin hơn là việc Tổng thống Obama muốn kiếm phiếu của người Việt lúc này, vì từ nay đến ngày bầu cử còn 8 tháng nữa.

Theo tôi, chính vì phản ứng rất nhanh và mạnh của cộng đồng người Việt trong việc tham gia kí thỉnh nguyện thư liên quan đến giao thương và nhân quyền Việt Nam khiến Bạch Ốc phải đáp ứng. Đó là cách làm việc của viên chức nhà nước trước những khiếu kiện hay thỉnh nguyện của dân, một việc rất bình thường trong sinh hoạt chính trị Mỹ.

Về cách thức Bạch Ốc đã tiếp phái đoàn, trước những phàn nàn, chê trách của một số người, tôi có những ghi nhận sau:

1/ Nơi đón tiếp: Eisenhower Old Executive Building là một phần của Bạch Ốc trong đó có văn phòng của Phó Tổng thống. Phòng họp dành cho người Việt hôm 5/3 cũng như năm 1992 là nơi thường xuyên có gặp gỡ giữa giới chức chính quyền với truyền thông và các tổ chức, hội đoàn đại diện quần chúng.

Nhiều người Việt không hiểu nên khi nghe được Bạch Ốc đón tiếp thì liên tưởng sẽ vào nơi tổng thống làm việc. Như thế điạ điểm đón tiếp không làm giảm đi sự quan tâm của giới chức hành pháp đối với vấn đề.

2/ Tiếp đoàn người Việt là giới chức cấp trung hay thấp. Năm 1992 đoàn người Mỹ gốc Đông Dương có tất cả 70 đại diện Việt, Cam Bốt và Lào.

Tổ chức tiếp phái đoàn là ông Clayton Fong, phụ tá tổng thống đặc trách giao tế và giới chức có mặt để trình bàychính sách là các ông Kenneth Quinn, Phụ tá Thứ trưởng Ngoại giao về Đông nam Á; ông Frank Keeting đại diện Bộ Phát triển Gia cư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hành phó giám đốc văn phòng định cư người tị nạn và ông Charles Kolb phụ tá tổng thống về chính sách đối nội.

Hôm 5/3/2012 phái đoàn người Việt được đón tiếp cũng bởi giới chức giữ các vai trò tương đương trong chính quyền hiện tại, cộng thêm người từ các cơ quan mới, không có vào năm 1992 như Ban Sáng kiến về người châu Á hay Văn phòng về Dân chủ, Nhân quyền và Lao động của Bộ Ngoại giao.

Các giới chức hiện diện là ông Jon Carson giám đốc văn phòng liên lạc cộng đồng, ông Eddie Lee phụ trách liên lạc cộng đồng gốc Á, ông Eric Burboriak đặc trách Đông nam Á của bộ ngoại giao, Tiến sĩ Quitan Wiktorowicz từ Hội đồng An ninh Quốc gia. Cấp cao nhất là ông Michael Posner, Phụ tá Ngoại trưởng về Dân chủ và Nhân quyền là chức vụ lập ra sau này để đáp ứng với chính sách ngoại giao thăng tiến dân chủ và nhân quyền của Hoa Kỳ.

Kỹ sư Đỗ Thành Công từ San Jose tham dự buổi đón tiếp và nhận định sự có mặt của ông Posner nói lên mức quan tâm về nhân quyền của Hoa Kỳ ở cấp độ cao nhất. Ông Công nói nguyện vọng của chúng ta chắc chắn sẽ được chuyển lên Tổng thống Obama và như thế là một điều thành công trong cuộc vận động cho nhân quyền.

Hoa Kỳ nói có quan tâm đến những
người đối kháng ở Việt Nam
3/ Bất bình với đáp ứng của giới chức Mỹ: Theo luật sư Đỗ Văn Quang Minh có mặt hôm đó thì các giới chức không trả lời rõ Hoa Kỳ sẽ có những biện pháp cụ thể nào để áp lực chính phủ Việt Nam cải tiến nhân quyền.

Không chỉ tại cuộc gặp hôm 5/3 người Việt không được nghe Hoa Kỳ nói rõ những bước cụ thể. Trong cuộc họp với Bạch Ốc vào tháng 10/1992 người Việt cũng như người Cam Bốt và Lào ít chú trọng đến các chính sách đối nội của Hoa Kỳ như chuyện định cư, công việc, nhà cửa cho người tị nạn mà hầu hết đều muốn Hoa Kỳ chú trọng đến đối ngoại.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Ngãi của Hội Y sĩ Việt Nam tại Hoa Kỳ lúc đó đã phát biểu rằng ông không quan tâm đến chính sách nội điạ, quan trọng nhất ông muốn chính quyền Tổng thống Bush cho biết rõ một lịch trình để đem lại tự do dân chủ cho dân tộc Việt Nam. Thượng tọa Thích Giác Đức cũng phát biểu về tự do tôn giáo tại Việt Nam với yêu cầu của Hoà thượng Huyền Quang về việc có một giáo hội độc lập với nhà nước.

Ông Kenneth Quinn đã trả lời rằng con đường hữu hiệu nhất để có thể buộc Hà Nội tôn trọng các quyền tự do căn bản là ngoại giao thầm lặng. Thời điểm đó Hoa Kỳ nối kết việc bang giao và bỏ cấm vận với Việt Nam vào bản lộ đồ giải quyết vấn đề Cam Bốt, tìm kiếm người Mỹ mất tích (POW-MIA). Liên quan đến nhân quyền, lúc đó việc thả tù cải tạo là quan tâm chính của Hoa Kỳ.

Luôn quan tâm

Tuy ít khi công khai bàn về nhân quyền ở Việt Nam, nhưng chính phủ Mỹ luôn quan tâm. Bằng chứng là Tổng thống George W. Bush, tức ông Bush con, đã tiếp bốn người Việt đại diện cho các đảng chính trị vào tháng 5/2007 trước chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết và cuộc gặp của ông với các sinh viên Nguyễn Tiến Trung, Nguyễn Hoàng Lan cho thấy người đứng đầu hành pháp Mỹ được báo cáo đầy đủ về tình hình nhân quyền tại Việt Nam.

Đó là những hành động cụ thể nhất để Hoa Kỳ biểu tỏ sự quan tâm đến vi phạm nhân quyền của Hà Nội. Có được những động thái tích cực đó từ hành pháp Mỹ chính là do sự lên tiếng và vận động của người Việt hải ngoại.

Trong cuộc vận động gần đây nhất, 150 nghìn chữ kí nói lên sự đồng tâm của người Việt. Nhạc sĩ Trúc Hồ và Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng đã là những người góp nhiều công sức – anh Trúc Hồ vận động quần chúng, Tiến sĩ Thắng vận động hành lang - để nâng cao tiếng nói cho nhân quyền Việt Nam.

Trong những thập niên qua, nhờ người hải ngoại bền bỉ lên tiếng nên tù cải tạo được định cư, nhiều tù nhân lương tâm được thả như bác sĩ Nguyễn Đan Quế, giáo sư Đoàn Viết Hoạt, luật sư Lê Thị Công Nhân, luật sư Lê Quốc Quân, bác sĩ Phạm Hồng Sơn, nhà báo Nguyễn Khắc Toàn, nhà văn Trần Khải Thanh Thuỷ v.v… hay nếu có ai còn trong tù thì cũng không bị đối xử tệ hại.

Cách mạng dân chủ đang đến ở nhiều nơi. Nhưng tiến trình dân chủ cho Việt Nam vẫn còn là một bước dài vì như nhạc sĩ Trúc Hồ đã phát biểu với báo chí sau cuộc gặp ở Bạch Ốc: “Cuộc tranh đấu cho nhân quyền còn dài và nhiều gian truân”.

Vận động của người Việt hải ngoại sẽ giúp những nhà hoạt động nhân quyền trong nước vững tin hơn vào con đường đang theo đuổi để đưa đất nước đến tự do dân chủ theo với xu thế của thời đại.
Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2012/03/120315_viet_overseas_politics.shtml

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More