Vận Động Nhân Quyền: Đâu Là Mục Tiêu Khả Thi?

Nguyễn Quốc Khải

Thuyết trình đoàn của Chính Phủ Obama
trong buổi tiếp kiến Tòa Bạch Ốc  (Hình: NQK)
. Từ trái: Ô. George Selin (Giám Đốc VP Việt Nam),
Ô. Thomas Debass (Giám Đốc Đối Tác Toàn Cầu),
Ô. Eric Barboriak (Quyền Giám Đốc VP. ĐNÁ 
Lục Địa),
Ô. Michael H. Posner (Trợ Lý Thứ Trưởng Ngoại Giao
đặc trách Dân Chủ, Nhân Quyền và Lao Động).
Thỉnh Nguyện Thư Nhân Quyền của cộng đồng Việt Nam do Nhạc Sĩ Trúc Hồ khởi xướng đã được đệ nạp Tổng Thống Barack Obama qua mạng của Tòa Nhà Trắng trong chương trình “We, The People – Your Voice in Our Government” (Chúng Ta, Những Người Dân – Tiếng Nói của Quý Vị trong Chính Phủ của Chúng Tôi) vào ngày 7/2/2012.
Thỉnh nguyện thư, dài 11 dòng gồm 642 chữ, bắt đầu bằng câu “Chúng tôi thỉnh nguyện chính phủ Obama ngưng mở rộng thương mại với Việt Nam, hi sinh nhân quyền.”
Thỉnh nguyện thư đưa ra một đề nghị ở ba dòng cuối cùng “Chúng tôi thỉnh cầu Tổng Thống  sử dụng Hiệp Định ĐốiTác Kinh Tế Chiến Lược Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement – TPP) và Hệ Thống Ưu Đãi Thuế Quan Phổ Quát (Generalized System of Preferences – GSP) để buộc Cộng Sản Việt Nam (CSVN) trả tự do lập tức và vô điều kiện cho những nhà hoạt động nhân quyền đang bị bắt giữ hoặc giam cầm trong các nhà tù tại Việt Nam. Bầy tỏ cho thế giới biết rằng Hoa Kỳ đặt tự do trên hết.”
Giới hạn trao đổi thương mại với Việt Nam - mục tiêu được xác định trong thỉnh nguyện thư - nhắm gây áp lực đòi CSVN cải thiện nhân quyền. Rất tiếc là trong những tập tài liệu do ban tổ chức Chiến Dịch Thỉnh Nguyện Thư Nhân Quyền (BTC) phổ biến không có một chi tiết nào về đề nghị này cả. Một số người trong Tòa Nhà Trắng và tại Quốc Hội Hoa Kỳ cũng không rõ TPP và GSP là cái gì.  Nhiều người đi vận động nhân quyền lại càng không biết (ngoại trừ hai toán Arizona và Virginia). Các cơ quan truyền thông Việt ngữ không hề nhắc nhở đến mục tiêu chính của thỉnh nguyện thư. Tại các cuộc họp của BTC trong ba ngày 4-5-6/3/2012, không ai nhắc tới việc giới hạn trao đổi thương mại với Việt Nam.
Bài phân tách này sẽ tìm hiểu về Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Chiến Lược Xuyên Thái Bình Dương và Hệ Thống Ưu Đãi Thuế Quan Phổ Quát và phân tách xem chúng có thể được sử dụng để hỗ trợ cho cuộc tranh đấu nhân quyền ở Việt Nam hay không.
Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Chiến Lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP)
1. Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Chiến Lược Xuyên Thái Bình Dương là gì?
TPP là một thỏa hiệp thương mại tự do rộng rãi với mục đích hội nhập kinh tế giữa những nước trong khu vực xuyên Thái Bình Dương từ Mỹ châu qua Á châu.  Mức độ tự do hóa là đặc điểm để phân biệt TPP với những hiệp định thương mại khác. Thỏa hiệp TPP ban đầu bao gồm có bốn nước là Brunei, Chile, New Zealand, và Singapore được ký kết vào ngày 03-06-2005 và có hiệu lực vào ngày 28-05-2006.  Thỏa hiệp này nhắm xóa bỏ 90% các thuế nhập cảng vào ngày 01-01-2006 và loại trừ tất cả mọi thuế nhập cảng vào năm 2015. Hiện nay có thêm năm nước đang thương lượng để gia nhập theo thứ tự thời gian là Hoa Kỳ (02-2008), Australia (11-2008), Việt Nam (11-2008), Peru (11-2008), và Malaysia (10-2010). Vào cuối năm vừa qua Nhật Bản tuyên bố có ý định tham gia nhưng chưa chính thức tham dự.  Ngoài ra, Phi Luật Tân, Đài Loan, Hàn Quốc và Canada cũng đã ngỏ ý muốn gia nhập vào tổ chức TPP.(1*)
2. TPP có những đặc điểm nào?
Hiệp Định TPP đặc biệt nhấn mạnh đến những lãnh vực sau đây: (a) bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; (b) xuất xứ hàng hóa; (c) chính sách cạnh tranh; (d) bảo vệ quyền lao động; (e) hạn chế khu vực xí nghiệp quốc doanh; (f) bảo vệ môi sinh; (g) bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; (h) yểm trợ trung và tiểu thương; (i) mở rộng tiếp cận thị trường; (j) bảo đảm công nghệ thông tin tự do.
Các điểm về bảo vệ quyền lao động, hạn chế khu vực xí nghiệp quốc doanh, mở rộng tiếp cận thị trường, và bảo đảm công nghệ thông tin tự do chắc chắn sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam cải tổ kinh tế. Riêng điều kiện về bảo vệ quyền lao động, Việt Nam sẽ phải cho công nhân thành lập công đoàn độc lập, có quyền đình công và quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Quyền lao động là một phần của nhân quyền. Nếu CSVN chấp thuận điều kiện này, công nhân Việt Nam, và những người tranh đấu cho nhân quyền nói chung sẽ thắng một trận lớn.
Hệ Thống Ưu Đãi Thuế Quan Phổ Quát (GSP).
1. GSP của Hoa Kỳ là gì?
Chương trình GSP được Hoa Kỳ thực hiện vào năm 1976. Mục đích là giúp các quốc gia đang mở mang phát triển thêm về kinh tế bằng cách cho phép hàng ngàn sản phẩm từ các quốc gia này được nhập cảng miễn thuế vào Hoa Kỳ. Tính đầu năm 2012, 129 nước đã gia nhập chương trình GSP và tổng cộng xuất cảng sang Hoa-Kỳ trong chương trình GSP là 4,800 loại hàng. (2*)
2. Những sản phẩm nào được nhập cảng miễn thuế vào Hoa Kỳ trong chương trình GSP?
Có khoảng 4,800 loại hàng, tức là 1/3 số hàng nhập cảng vào Hoa Kỳ, nằm trong chương trình GSP. Trong số đó, Việt-Nam có khoảng 1,000 loại sản phẩm hội đủ tiêu chuẩn để được nhập cảng vào Mỹ. Thí dụ như đồ sứ, sản phẩm điện tử (không nhậy cảm), đồ gỗ, kim loại quý, nữ trang giả, rổ rá, bao tải, túi, xắc tay.
Những loại hàng không nằm chương trình GSP gồm hàng dệt và quần áo, hầu hết những đồng hồ đeo tay, giầy dép, túi cầm tay, áo quần bằng da, găng tay, đồ điện tử (nhậy cảm), đồ thép (nhậy cảm), sản phẩm làm bằng kính (nhậy cảm), nông phẩm giới hạn bởi sản ngạch.
3. Mỗi quốc gia phải hội đủ những tiêu chuẩn nào để có thể gia nhập vào chương trình GSP?
Muốn gia nhập chương trình GSP, những nước đang phát triển phải thỏa mãn một số tiêu chuẩn sau đây:
a. Mức độ phát triển kinh tế, kể cả tổng sản phẩm quốc gia trung bình đầu người (per capita GNP), mức sống của người dân và những yếu tố kinh tế khác mà Hoa Kỳ xét thấy thích hợp.
b. Cho phép sản phẩm của Hoa-Kỳ tiếp cận thị trường một cách quân bình và hợp lý và sản phẩm sơ đẳng (primary products) như khoáng sản, cao su, bông gòn, trà, cà phê, v.v.
c. Bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu trí tuệ.
d. Làm giảm bớt những hàng rào ngăn cấm tự do thương mại, đặc biệt về khu vực dịch vụ.
e. Không phải là nước cộng sản, ngoại trừ nước này (i) có liên hệ thương mại bình thường với Hoa-Kỳ; (ii) là hội viên của Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế (WTO); (iii) là hội viên của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF); và (iv) không bị cưỡng chế ngự bởi cộng sản quốc tế.
f. Bảo vệ đầy đủ quyền lao động được quốc tế công nhận trên năm lãnh vực: (i) quyền lập hội; (ii) quyền tổ chức và thương lượng tập thể; (iii) cấm cưỡng bách lao động; (iv) ấn định tuổi tối thiểu của trẻ em có thể đi làm và cấm những hình thức tồi tệ nhất của lao động trẻ em; và (v) Điều kiện làm việc có thể chấp nhận được đối với mức lương tối thiểu, số giờ làm việc, và an toàn nghề nghiệp và sức khoẻ.
4. Chính phủ Việt-Nam xin gia nhập chương trình GSP từ bao giờ?
Chính quyền Hà Nội chính thức gửi văn thư cho chính phủ Hoa Kỳ để xin được hưởng quy chế GSP vào tháng 5-2008. Trong dịp thăm viếng Hoa Kỳ vào tháng 6-2008, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã đề cập vấn đề này trong thông cáo chung của hai nước Việt-Mỹ.
Vào thời điểm đó, Ủy Ban Hoa Kỳ Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam (Committee to Protect Vietnamese Workers – CPVW-USA), một thành viên của Liên Minh Chống Nô Lệ Mới ở Á châu (Coalition to Abolish Modern-Day Slavery in Asia – CAMSA), đã trình bầy với Văn Phòng Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ (Office of the U.S. Trade Representative – USTR) rằng trên nguyên tắc cơ quan này ủng hộ việc Việc Nam xin gia nhập GSP vì chương trình này sẽ giúp nông dân và công nhân Việt Nam bán sản phẩm sang Hoa Kỳ dễ dàng hơn. Tuy nhiên CPVW-USA xác định rằng Việt Nam chưa đủ điều kiện để gia nhập GSP. (3*)  Mặc dù CSVN được rất nhiều công ty lớn của Mỹ ủng hộ, cho tới ngày hôm nay, Hoa Kỳ chưa chấp nhận cho Việt Nam được hưởng quy chế GSP.
Vào đầu năm nay, trong thời gian viếng thăm Việt Nam của một phái đoàn gồm bốn Thượng Nghị Sĩ Hoa Kỳ, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa đã yêu cầu Hoa Kỳ cho Việt Nam hưởng quy chế GSP.
5. Hiện nay Việt-Nam có hội đủ tiêu chuẩn để gia nhập vào chương trình GSP hay không?
Theo phần 3 kể trên, Việt Nam hội đủ mọi điều kiện ngoại trừ phần (f) quyền lao động. Những lãnh vực chính quyền Hà Nội vi phạm là (i) quyền lập hội; (ii) quyền tụ tập; (iii) quyền tổ chức và thương lượng tập thể; (iv) lao động trẻ em; và (v) điều kiện làm việc và lương bổng.
Công nhân không được phép thành lập công đoàn độc lập. Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt-Nam (TLĐLĐVN) là một tổ chức nghiệp đoàn quốc gia duy nhất ở Việt-Nam. Tất cả các công đoàn phải phụ thuộc vào TLĐLĐVN. Đây là một trong những phong trào vận động quần chúng của Mặt Trận Tổ Quốc. Những người lãnh đạo của TLĐLĐVN ở cấp quốc gia và địa phương phần lớn đều là đảng viên của Đảng Cộng Sản Việt-Nam.
Công dân không có quyền tụ tập tại Việt-Nam. Nếu tụ tập từ năm người trở lên đều phải xin phép chính quyền địa phương. Điều 5.2 của Nghị Định 38/2005/NĐ-CP về trật tự công cộng, ký ngày 18-03-2005.  Thông tư của Bộ Công An số 09/2005/TT-BCA ngày 05-09-2005 giải thích rõ hơn về hoạt động tập trung từ năm người ở nơi công cộng bị chi phối bởi Nghị Định 38/2005/NĐ-CP. (4*)
Người lao động Việt-nam không có quyển tổ chức và thương lượng tập thể. Tất cả những cuộc đình công tại Việt-Nam có tính cách bộc phát không do cá nhân, nhóm, hay chính phủ chính thức tổ chức. Do đó, sức mạnh thương lượng tập thể rất yếu. Theo luật, bất cứ một cuộc đình công nào đều phải có sự chấp thuận của TLĐLĐVN và chính quyền địa phương theo một thủ tục kéo dài và rườm rà. Thực tế cho thấy TLĐLĐVN chưa bao giờ khởi xướng, tổ chức, hoặc cho phép bất cứ một cuộc đình công nào. Do đó tất cả các cuộc đình công tại Việt-Nam được xem là bất hợp pháp. Gần đây, chính quyền Hà Nội lại ban hành thêm một nghị định có tính cách chống người lao động bằng cách buộc người lao động tham gia đình công bất hợp pháp phải bồi thường thiệt hại cho chủ nhân. (5*)
Luật Việt-Nam đòi hỏi rằng tuổi tối thiểu để làm việc là 18. Trẻ em trong lứa tuổi 15-18 có thể làm việc, nếu chủ công ty có giấy phép của cha mẹ và Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã Hội (LĐTBXH). Tuy nhiên, Bộ LĐTBXH không có phương tiện để có thể cưỡng bách việc thi hành luật. Do đó tình trạng lao động trẻ em vẫn tiếp diễn ở Việt Nam. Theo Văn phòng Dân Chủ, Nhân Quyền, và Lao Động tại Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, trẻ em Việt-Nam bị buôn bán ở trong nước cũng như ở nước ngoài, đáng chú ý nhất là Campuchia, để khai thác tình dục. Việc buôn trẻ em ở trong nước bao gồm cả những trường hợp trẻ em bị bắt làm nghề ăn mày và bán hoa, đặc biệt ở Sài Gòn và Hà Nội. Một số trẻ em khác lại bị bi buôn ngược lại từ Campuchia và đưa vào Sài Gòn. (6*)
Luật Lao Động Việt-Nam cam kết bảo vệ người lao động như bất cứ một quốc gia phát triển nào. Tuy nhiên, trên thực tế, phần đông công nhân Việt-Nam phải chịu thiệt thòi một cách đáng kể vì tiền lương thấp, ngày làm việc dài, không trả lương giờ phụ trội, điều kiện làm việc thiếu an toàn về sức khỏe, không bảo hiểm, và không tiền hưu trí. Một người thợ trung bình phải làm ít nhất 10 giờ một ngày và 6 ngày một tuần. Môi trường làm việc trong nhiều trường hợp không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, người thợ này chỉ được trả lương 50 Mỹ kim hàng tháng. Với lợi tức này và với mức lạm phát cao, công nhân Việt-Nam cảm thấy rất khó khăn để có thể nuôi sống gia đình.
Về quyền lao động, GSP và TPP là một. Tuy nhiên có một khác biệt quan trọng giữa GSP và TPP. GSP là một công cụ hoàn toàn nằm trong tay Hoa Kỳ. Việt Nam ở vào vị trí xin - cho. Trong khi đó TPP là một tổ chức đa quốc gia. Việt Nam và Hoa Kỳ còn ở trong giai đoạn thương thuyết để gia nhập. Tuy là một nước lớn và đóng một vai trò quan trọng trong TPP, Hoa Kỳ không là chủ nhân ông của TPP.
TPP, GSP và nhân quyền
Nhiều viên chức ngoại giao cao cấp của Hoa Kỳ đã nhiều lần tuyên bố rằng vấn đề nhân quyền ở Việt Nam đã cản trở hai quốc gia tiến xa hơn nữa trong mối quan hệ ngoại giao và chiến lược. Trong dịp viếng thăm Việt Nam vào tháng 10, 2010, Ngoại Trưởng Hilary Clinton đã bầy tỏ mối lo ngại về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam. Bà tuyên bố với báo chí tại Hà Nội rằng “Với một dân tộc đặc biệt và năng động, Việt Nam đang trở thành một quốc gia vĩ đại với một tiềm năng vô giới hạn. Và đó cũng nằm trong những lý do khiến chúng tôi phải bầy tỏ sự quan tâm về việc bắt giữ và kết án những người bất đồng chính kiến ôn hòa, tấn công những nhóm tôn giáo, và hạn chế tự do Internet.” (7*)
Vào đầu năm nay, trong chuyến viếng thăm Việt Nam, TNS John McCain đáp lại lời yêu cầu của Việt Nam muốn mua võ khí của Hoa Kỳ, đã tuyên bố rằng “Có một số hệ thống võ khí mà Việt Nam muốn mua của chúng tôi và chúng tôi muốn chuyển giao những võ khí này cho họ, nhưng điều này sẽ không xẩy ra ngoại trừ Việt Nam cải thiện thành tích nhân quyền của họ.” (8*)
Việt Nam rất muốn gia nhập TPP vì các nước trong khối TPP sẽ là một thị trường lớn cho hàng hóa của Việt Nam. Một khi đã thỏa mãn những tiêu chuẩn cao để gia nhập TPP, Việt Nam sẽ thu hút được đầu tư của khối TPP và những quốc gia khác. Ngoài ra, TPP sẽ giúp Việt Nam độc lập hơn với Trung Quốc về phương diện kinh tế vì Trung Quốc sẽ khó thỏa mãn những điều kiện của TPP để vào tổ chức này.  Nếu cần Hoa Kỳ có thể đòi hỏi thêm điều kiện về nhân quyền để gạt hẳn Trung Quốc ra ngoài.
GSP hoàn toàn có lợi cho Việt Nam. Qua chương trình này, Việt Nam có thể gia tăng số lượng và trị giá hàng xuất khẩu qua thị trường Hoa Kỳ mà không phải trả thuế nhập cảng. Do đó Việt Nam kiên nhẫn chờ đợi trong nhiều năm nay để được hưởng quy chế này.
TPP và GSP sẽ là hai cơ hội lớn để Hoa Kỳ áp lực Việt Nam cải thiện nhân quyền. Việt Nam thường làm ngơ hoặc bác bỏ những lời chỉ trích vi phạm nhân quyền của các cơ quan nhân quyền quốc tế và những quốc gia văn minh trên thế giới. Tuy nhiên đối với TPP và GSP, với chủ trương rõ ràng của Hoa Kỳ, CSVN khó có thể làm ngơ được.
Trong hơn 10 năm vừa qua, cứ hai năm toàn bộ Hạ Viện được bầu lại, Hoa Kỳ lại có một quốc hội mới, cộng đồng người Mỹ gốc Việt lại vận động để Dự Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam được thông qua tổ chức lập pháp này, nhưng chưa bao giờ thành công. Chính sách của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á không cho phép Hoa Kỳ mạnh tay với Việt Nam. Điều này ngày càng rõ rệt hơn. Do đó, chúng ta không thấy một dấu hiệu nào khiến cho dự luật này có nhiều may mắn hơn đối với Quốc Hội thứ 112 hiện nay. Quốc Hội này sẽ đi vào lịch sử trong 9 tháng sắp tới. Đâu là mục tiêu khả thi của chúng ta? Về phương diện chiến thuật, Dự Luật Nhân Quyền quả là một cái bóng. Nhưng GSP và TPP mới thực sự là con mồi.
Nguyễn Quốc Khải
14-03-2012

Chú thích:
(1*) Office of the U.S. Trade Representative, “Trans-Pacific Partnership,” March 2012.
(2*) Office of the U.S. Trade Representative, Executive office of the President, “U.S. Generalized System of Preferences Guidebook,” Washington-DC, May 2011.
(3*) Khai Nguyen, “Comment on Vietnam’s eligibility under the Generalized System of Preferences (GSP) program,” CPVW-USA, August 4, 2008.
(4*) WorkerFreedom, “Workers Prefer Illegal Strikes To Impotent Labor Unions,” June 24, 2008.
(5*) The U.S. Department of State, “Country Reports on Human Rights Practices – 2007,” released by the Bureau of Democracy, Human Rights, and Labor, March 11, 2008.
(6*) Decree No. 11/2008/NĐ-CP, January 30, 2008 and Circular No. 07/2008/TTLT-BLDTBXH-BTC, May 30, 2008.
(7*) Daniel Schearf, “In Vietnam Clinton Hails Relations Cites Human Rights Concerns,” VOA News, July 22, 2010.
(8*) Simon Roughneen, “U.S. Calls For International Observers at Burma By-Elections,” The Irrawaddy. January 23, 2012.
DiendanCTM 

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More