BIỂU TÌNH NGÀY 1/7: THAM GIA? KHÔNG THAM GIA?

Nguyễn Tường Thụy

Nhiều người tiếp nhận lời kêu gọi TUẦN HÀNH ÔN HÒA CHỐNG TRUNG QUỐC, ỦNG HỘ LUẬT BIỂN CỦA VIỆT NAM với một ý thức đầy cảnh giác và tâm trạng hoài nghi. Người thì bảo vụ này là do anh Ba, anh Tư nào đó bật đèn xanh, có người lại cho rằng đây là cái bẫy của công an, đừng có ngây thơ mà tin, rằng cần có trái tim nóng và cái đầu lạnh.

Về lời văn kêu gọi, vẫn cơ bản như những cuộc biểu tình mùa hè năm ngoái như ôn hòa, trật tự, không gây rối, chỉ khác là dùng từ tuần hành thay cho biểu tình. Gọi là tuần hành hay tụ tập thì thực chất vẫn là biểu tình, có điều gọi thế để cho nó có vẻ nhẹ đi mà thôi. Mà biểu tình thì đã sao, có gì ghê gớm đâu nhỉ.


Ngoài ra, người ta còn cân nhắc đến lời khẳng định cuộc tuần hành “Hoàn toàn hợp với HIẾN PHÁP VIỆT NAM”, KHUYẾN KHÍCH mang theo cờ Việt Nam, áo in màu cờ Việt Nam, ảnh Hồ Chí Minh..v..v..

Hơi lạ vì lời căn dặn “KHÔNG ĐƯỢC đốt cờ …” Làm gì có chuyện người biểu tình yêu nước mang cờ đi để đốt. Các cuộc biểu tình năm ngoái từng xảy ra chuyện xé bản đồ Tổ quốc có in đày đủ hai quần đảo HS, TS, giật và vò nát cờ Tổ quốc nhưng đấy là hành động của công an chứ không phải là của người biểu tình.

Việc họ cảnh giác kể ra cũng phải. Những người biểu tình phản đối Trung Quốc mùa hè năm ngoái, để được thể hiện tấm lòng của mình với đất nước đã phải trả giá: bị bắt,  bị đưa vào Hỏa Lò, bị đánh đập, dùng nhục hình, thậm chí bị đưa vào trại cải tạo đến 5 tháng. Một số mất việc hoặc bị đuổi khỏi nơi trọ.

Nhưng cảnh giác, hoài nghi gì thì cũng nên ở mức hợp lý. Bảo đây là cái bẫy của công an ư? Vậy họ giăng bẫy để làm gì? Giăng để bắt kẻ nào chống TQ chăng? Mất công. Có ai chối đâu mà phải giăng bẫy. Hỏi nếu ai phản đối TQ âm mưu thôn tính Biển Đông, chắc chắn có hàng triệu, hàng triệu chữ ký. Mùa hè năm ngoái họ có giăng cái bẫy nào đâu mà cũng bắt được khối người và cuối cũng đã có được một danh sách khá dài (danh sách ấy là danh sách đen của công an nhưng lại là danh sách đỏ của những người yêu nước. Ai có tên trong danh sách ấy mà chẳng tự hào). Thế nhưng chính quyền có cần ai xuống đường để bất thêm đâu mà ngược lại còn ra thông báo cấm tiệt biểu tình.  Giăng bẫy để cuối cũng bắt được toàn những người yêu nước sao? Có ghét họ lắm thì cũng chỉ đến nước mang cái nghị định 38 ra gán bừa là tụ tập không được phép mà thôi.

Lại còn có ý kiến nếu cuộc biểu tình do chính quyền bật đèn xanh thì không tham gia. Mình đã từng có ý nghĩ như thế, nhưng xét lại thấy làm như vậy là trẻ con, cứ như là hai đứa giận nhau. Họ tức vì chống TQ mà bị đàn áp, họ tức vì ủng hộ Quốc hội mà cũng bị bắt. Nay cần ông đi biểu tình thì ông đéo đi nữa cho biết mặt. Nghĩ như thế là không suy xét mọi nhẽ.

Tức người ta quá, luôn tìm cách làm ngược lại ý của người ta là cực đoan. Nếu biểu tình phản đối kẻ trộm vào nhà ông lớn nào đó cuỗm đi vài tỉ thì thôi cũng được, cho mày chết, tham ô cho lắm vào, có bị trộm chẳng qua là phân phối lại mà thôi. Nhưng đây lại là vấn đề của đất nước. Tổ quốc đâu phải của riêng đảng CSVN hay riêng của Nhà nước mà là của tất cả người Việt nam. Anh tẩy chay lời kêu gọi của người ta (giả sử thế) cho hả nỗi tức nhưng vô hình trung lại bàng quan trước vận mệnh của Tổ quốc. Cần phải xác định tôi đi biểu tình không vì tôi nghe theo anh mà vì đất nước.

Nhận định thì cứ nhận định nhưng đừng có vội mơ đến sự chuyển biến ấy. Những ai cho rằng chính quyền bật đèn xanh cho cuộc biểu tình này cần tính đến chuyện: đã có một vài cựu biểu tình được mời đi uống cà phê để thăm dò hay công an vận động không đi.

Lại có ý kiến nói rằng tại sao mình lại phải đi hưởng ứng lời kêu gọi của một thằng cha nào đó không rõ danh tính. Ngay cả người có tên tuổi, có uy tín kêu gọi chưa chắc đã đi. Thực ra, đi biểu tình đâu phải là vì người đó. Trong giai đoạn hiện nay, việc người ra lời kêu gọi phải ẩn danh thì không có gì khó hiểu, cần có sự cảm thông. Ra lời kêu gọi như thế này thì bất cứ ai cũng ra được nhưng nếu không có người đứng ra thống nhất địa điểm, ngày giờ thì không thành biểu tình. Kể cả lời kêu gọi phát ra từ một chương trình tự động nào đó cũng không sao. Chẳng lẽ muốn phản đối hay ủng hộ điều gì đó, lại đi biểu tình một mình.

Cuộc biểu tình ngày 1/7 được ủng hộ hay bị đàn áp, không nói trước được. Nếu chính quyền ủng hộ thì sẽ diễn ra tốt đẹp. Còn nếu bị đàn áp thì như mọi người đã thấy và đã có khá nhiều kinh nghiệm.

Ngày 1/7 tới đây, đi hay không tùy bạn nhưng đừng phụ thuộc vào những đồn đoán nêu trên có đúng hay không. Việc mình mình làm,việc họ họ làm. Không nên đặt ra điều kiện, nếu biểu tình được ủng hộ thì tôi đi còn nếu bị đàn áp thì thôi. Không bao giờ có câu trả lời ấy đâu.

Dù sao, tham gia vào hoạt động gì thì cũng nên trong khuôn khổ pháp luật. Nhưng cần để ý một điều vẫn pháp luật ấy nhưng ranh giới mỗi lúc có khác nhau. Ví dụ năm ngoái, có cuộc biểu tình được công an giữ trật tự, cũng có cuộc lại vi phạm vào nghị định 38. Thế mới là luật của nước ta. Biết đâu, từ hành vi biểu tình, quan tòa có thể kết tội anh vào điều 79 như thường, theo lối suy diễn: Biểu tình chống Trung Quốc làm nó tức lên, đem quân đánh Việt Nam, như vậy hành vi biểu tình chẳng là hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân là gì.

Đi biểu tình không phải là chuyện đi chơi. Để giành lấy một điều tốt đẹp nào đó đều phải đánh đổi. Dù tham gia biểu tình có bị làm sao thì cũng chỉ là con muỗi so với các vị đã mang cả đời mình, chấp nhận tù tội để đổi lấy những gì tốt đẹp cho đất nước, tự do, công lý cho đồng bào mình.

26/6/2012
 NTT

nguồn: http://nguyentuongthuy.wordpress.com/2012/06/26/bieu-tinh-ngay-172012-tham-gia-khong-tham-gia/

3 comments:

Bài viết quá đúng và đầy đủ. Tôi sẽ cố gắng chuyển tối đa cho bạn bè và cả các đồng chí của tôi trong mấy ngày trước thời điểm 1/7.

Ai đi thì lên đường. Ai không dám đi lần này thì để lần khác đi, chứ đừng dựng lên lý này cớ nọ để biện minh nữa. Không cần thế đâu. Chúng ta cảm thông nhau cả thôi.

Giặc đến nhà Ngoại già cũng đánh
Chống ngoại xâm đất Thánh Hùng Vương
Ta thà chết ở tiền phương
Chứ không im lặng hậu phương cúi đầu...

Lê Quốc Việt

Chung ta ddang lam len mot lich su trong sang va tot ddep.

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More