Nguyễn Hoàng Vi
Tuổi trẻ VN những ngày xuống đường chống TQ xâm lược |
Sài Gòn trải qua 2 đợt biểu tình chống Trung Quốc: đợt 1 là
vào năm 2007-2008, đợt 2 là vào những ngày hè năm 2011. Cả hai lần ấy tôi đều bị
ngăn chặn và không thể nào tham gia cùng mọi người.
Năm 2007, những ngày SG biểu tình, bên an ninh mời tôi cafe
suốt những ngày đó. Ngày ấy, phải lo toan với cuộc sống cho gia đình, nên tôi
cũng không dành nhiều thời gian quan tâm đến chuyện biểu tình chống Trung Quốc.
Thêm vào đó, tôi nghĩ nguyên nhân dẫn đến việc Trung Quốc xâm lấn lãnh hải Việt
Nam hoàn toàn không đơn giản. Tôi đã từng nghĩ rằng nếu tôi và vô số người dân
có xuống đường phản đối Trung Quốc thì liệu Trung Quốc có ngừng xâm chiếm Việt
Nam không khi mà chính những người lãnh đạo đất nước nắm trong tay binh quyền
đã tuyệt nhiên im lặng trước những hành động đó. Tôi hồ nghi đã có sự thỏa hiệp
nào đó.
Những ngày cafe với các anh an ninh, tôi cũng tuyệt nhiên
không hỏi gì về các cuộc biểu tình đó, nhưng anh an ninh lại hỏi tôi:
- Em có biết đang có biểu tình chống Trung Quốc ở SG không?
- Em biết chứ.
- Sao em không đi?
- Em đâu có ngu mà đi để cho anh bắt. Với lại, chẳng phải em
đang ngồi đây cafe với anh sao?
Nét mặt anh an ninh chợt thoáng buồn và nói:
- Nếu anh không là an ninh, nếu anh là sinh viên thì chắc
anh cũng đã tham gia biểu tình rồi.
Tôi hỏi lại:
- Vậy sao anh không đi biểu tình đi?
Anh chỉ im lặng và nhìn xa xăm.
....
Rồi sau đó tôi được biết rất nhiều anh chị em tham gia biểu
tình chống Trung Quốc năm ấy luôn bị an ninh sách nhiễu và đàn áp. Tôi tin là
trên đất nước này những quyền tự do căn bản của con người: tự do ngôn luận, tự
do báo chí... bị chà đạp và những người đấu tranh, kêu gọi cho những quyền tự
do ấy đều bị đàn áp, tù đày nhưng thời điểm đó tôi không tin rằng việc biểu
tình "chống Trung Quốc" mà cũng bị đàn áp, tù đày.
Tôi đã có may mắn được quen biết với những anh em đã xuống
đường chống Trung Quốc năm 2007. Mặc dù bị chính quyền đàn áp nhưng họ vẫn luôn
tự hào vì những điều họ đã làm. Tôi lại hồ nghi "Có chăng họ làm quá? Chứ
chỉ chống Trung Quốc thôi thì làm gì mà bị đàn áp ghê gớm? Mà nếu có bị đàn áp
sao họ lại vẫn luôn tự hào và lạc quan?"
Rồi khi có lời kêu gọi biểu tình chống Trung Quốc năm 2011,
tôi háo hức muốn tham gia và rủ rê rất nhiều người thân, bạn bè cùng tham gia.
Sáng ngày 5/6/2011, một đứa em chơi chung nhóm bạn chạy xe
sang nhà chở tôi đi biểu tình. Vừa ra khỏi nhà đã bị cả một lực lượng an ninh
hơn cả chục người bao vây, chặn xe và chặn người không cho đi. Thằng em thì bị
kiểm tra giấy tờ xe và bị bắt về Công an phường, còn tôi thì không ra khỏi nhà
được. Cảm giác rất là ức chế. Nhưng khi bạn bè tôi ra đến địa điểm và biểu tình
xảy ra, họ gọi điện thoại hỏi tôi đã đi chưa, đang ở đâu. Tôi nói, tôi không thể
ra khỏi nhà được, thế nên nhờ họ để điện thoại cho tôi nghe không khí biểu tình
như thế nào. Mặc dù có phần ức chế vì không được trực tiếp tham gia và nhìn thấy
tận mắt nhưng qua điện thoại nghe được khí thế của đoàn người biểu tình, tôi cảm
thấy vui. Vui vì rõ ràng chính quyền, an ninh có thể ngăn chặn được một người,
vài người hay cả chục, thậm chí cả trăm người xuống đường thể hiện lòng yêu nước.
nhưng họ không thể ngăn được cả ngàn người, thậm chí cả chục triệu người dân
yêu nước được chăng?
Ngày 12/06/2011, biết là sẽ bị an ninh ngăn chặn một lần nữa,
tôi dẫn theo con trai âm thầm ra ngoài thuê khách sạn trước đó để tiện việc đi
biểu tình. Nhưng cuối cùng cũng bị an ninh ngăn chặn và bắt cả hai mẹ con về
Công an phường Phạm Ngũ Lão, Q1 và câu lưu ở đó cả ngày. Biểu tình vẫn xảy ra.
Một lần nữa, tim tôi như muốn vỡ òa vì vui mừng.
Những chủ nhật sau đó, có khi ngay cả ngày thường, an ninh vẫn
luôn túc trực canh giữ, theo dõi, kiếm chuyện gây sự và đe dọa gia đình tôi. Rồi
hàng loạt sự việc xấu xảy ra cho tôi: tai nạn giao thông, 2 chị em tôi bị nghỉ
việc không một lý do, giựt dây cho bọn côn đồ, xã hội đen hành hung gia đình
tôi,... và gần đây nhất là cấm tôi xuất cảnh nhằm triệt tiêu mọi đường sinh sống
của gia đình tôi.
Chỉ là vì tôi muốn tham gia biểu tình chống Trung Quốc thôi
mà.
Tại sao Chính quyền lại lấy bạo quyền mà đàn áp đáp trả lòng
yêu nước của người dân chẳng khác nào một sự trả thù?
Đã có sự thỏa hiệp nào chăng?
Một năm nhìn lại, đã có quá nhiều biến cố không may xảy ra
nhưng tôi vẫn không có gì phải hối tiếc về những việc đã làm.
Có chăng nhờ đó mà tôi nhìn thấy rõ bộ mặt khôn nhà dại chợ,
hèn với giặc, ác với dân của nhà cầm quyền hơn mà thôi.
Với tôi, những hồ nghi bấy lâu về sự lãnh đạo của Đảng và
Nhà nước bây giờ thì đã quá tỏ tường rồi!
0 comments:
Đăng nhận xét