Từ ’Thời của thánh thần’ đến ’Thời của âm binh’

Phan Nhật Bình – Lê Vĩnh

 

Thời của thánh thần
“Thời của thánh thần” là tên một quyển truyện của nhà văn Hoàng Minh Tường, xuất bản năm 2008. Cuốn sách bị thu hồi ngay vì nội dung mang tính phê phán chế độ cộng sản Việt Nam công khai và mạnh bạo nhất trong những năm gần đây.

“Thời của thánh thần” viết về những số phận khác nhau của một gia đình có truyền thống khoa bảng ở làng quê châu thổ sông Hồng. Từ đó phản ảnh số phận bi đát của cả dân tộc và thực trạng xã hội Việt Nam trong khoảng thời gian kéo dài trên nửa thế kỷ kể từ khi đảng CSVN lên cai trị đất nước. Vô vàn biến động tang thương cứ theo nhau xuất hiện: từ cuộc cải cách ruộng đất, đến Nhân văn Giai phẩm, đến xét lại chống đảng, cuộc chiến bắc–nam tương tàn, cho đến những cuộc vượt biên vượt biển sau chiến tranh.

Tuy chỉ là hư cấu như bao tiểu thuyết khác, nhưng theo tác giả thì “Đây không phải là tiểu thuyết viễn tưởng. Không phải tiểu thuyết lịch sử, mà đây là văn học đương đại. Nghĩa là lấy hiện thực đất nước làm cảm hứng xuyên suốt”, và tác giả “đã huy động tất cả vốn sống, kiến thức hiểu biết của mình và vật vã trong 4 năm trời để phản ảnh hiện thực đất nước một chặng đường dài sau 1954 đến nay, không ngại khai thác những vùng được coi là nhạy cảm. Nên đối với tôi đây là đứa con tâm huyết. Có người đánh giá đây là tác phẩm ’của một đời cầm bút...’, ’tác phẩm tổng kết đời văn của tôi’ có lẽ cũng không quá.” [1].
Đối với cảm nhận của độc giả, người ta dễ dàng tìm thấy trên các diễn đàn mạng. Tuy nhiên, có lẽ nhận định của nhà văn Đặng Văn Sinh [2] gói ghém được nhiều nhất: “Đọc ’Thời của thánh thần’, ngay cả lớp người trẻ tuổi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, không phải trải nghiệm nỗi kinh hoàng của những cuộc chiến máu lửa, những trận đấu tố đầy chất bi hài, những chiến dịch cưỡng bức tẩy não sắt máu, cũng phải rùng mình bởi sự bất ổn của của một xã hội tôn thờ bạo lực vốn được xây dựng trên thứ triết lý không tưởng, vừa cuồng tín vừa ấu trĩ, vừa tàn bạo vừa giả trá. Hậu quả của nó là, chính chúng ta chứ không phải ai khác, đã và đang phải lãnh đủ một cơ đồ rách nát, một môi trường xã hội ô nhiễm nặng nề, khiến các thế hệ tương lai mất niềm tin, thiếu lý tưởng, vô văn hóa, suy thoái đạo đức nhưng lại thừa kiêu ngạo trên cái nền phì nhiêu của nạn tham nhũng." [3]

Trả lời phỏng vấn của báo Quân Đội Nhân Dân ngày 15/3/2009, khi cây viết Hà Thế của tờ báo này cho rằng một số nhân vật trong “Thời của Thánh Thần” thể hiện “sự bặm trợn, thô thiển đến thô tục, nhân cách méo mó” [4], tác giả Hoàng Minh Tường đã thẳng thắn nói rằng: “Nhà tiểu thuyết có phải bịa một tí nào đâu, bản thân cuộc đời nó đã phơi bày hết cả rồi” (*); và rằng: ”Trong tiểu thuyết ’Thời của Thánh Thần’, tôi làm sao bịa ra nổi không khí đấu tố thời Cải cách ruộng đất”....(*); Tác giả còn nhấn mạnh rằng: “Ở tiểu thuyết này, tôi muốn tự lột trần mình, bắt chính mình phải trung thực với từng trang viết. Tôi muốn các nhân vật của mình đi lại con đường đầy rẫy những chông gai, thấm đẫm máu và nước mắt, trứơc khi họ thành thiên thần hay ác quỷ.” (*)

Từ điểm nhấn mạnh này, độc giả có thể dễ dàng trả lời câu hỏi ai đã bắt con người (được thể hiện qua những nhân vật hư cấu trong quyển tiểu thuyết) phải đi qua những chông gai thấm đẫm máu và nước mắt như vậy? Nếu không phải những “thánh thần” có đầy quyền uy? Và tác giả đã nói về thời kỳ đó như sau: “’Thời của Thánh Thần’. Đó là một thời kỳ mà cả dân tộc Việt Nam ta sống như trong huyền thoại, như trong truyền thuyết. Bây giờ nhiều người trong cuộc nhớ lại cái thời lãng mạn ấy mà vẫn không khỏi bàng hoàng. Bởi nó quyết liệt quá, hào sảng quá, thơ mộng quá mà cũng gian khổ quá, dữ dội quá… Thế hệ trẻ hôm nay không thể hiểu cha ông mình đã trải qua nửa phần sau của thế kỷ XX như thế nào đâu. Chỉ có thể nói, đó là thời của ’Thánh Thần’...”(*)

Và đó cũng là cảm xúc của nhà văn Hoàng Hải Thủy trong bài thơ “Không Thấy Phố! Không Thấy Nhà!” viết về thời Nhân Văn Giai Phẩm: [5]

Thấy chúng ta giữa lòng ngục tối,
Còn vu vơ mong đợi Thiên Đường!
"

Thật vậy, cùng lúc với những ký ức kinh hoàng, nhiều người nay nhìn lại vẫn phải thán phục bàn tay của các "thánh thần cộng sản". Vì chỉ thánh thần mới có khả năng gần như lấy mất trí tuệ của các nạn nhân như vậy. Trong lúc đang quằn quại trong cảnh “thấm đẫm máu và nước mắt”, các nạn nhân vẫn tin tưởng vào một tương lai cộng sản cho đất nước; vẫn tin chính sách là đúng mà chỉ có cán bộ thực hiện sai; vẫn tin lãnh đạo là những người đầy nhân bản sẽ gỡ oan cho mình trong nay mai thôi; vẫn mong con cái mình lớn lên sẽ là những thanh niên cộng sản lý tưởng; v.v....

Nhưng đó là hiện tượng siêu lạ của nửa sau thế kỷ 20. Sang đầu thế kỷ 21 tới nay, liệu thời của thánh thần có còn không? Các thánh thần nay đã về đâu?

Thời của đại gia
Hiển nhiên sự xụp đổ của thế giới cộng sản, sự lan tràn của mạng Internet, và sự chiến thắng không thể tranh cãi của loại kinh tế tư bản (kinh tế thị trường) trên toàn cầu đã làm ruỗng nát bệ thờ các thánh thần cộng sản. Những dữ kiện cá nhân của các lãnh đạo thoát ra từ văn khố Liên Xô và các nước cộng sản cũ xóa gần hết các tuyên truyền đến mức thần thoại về các lãnh tụ. Những con số triệu và chục triệu sinh mạng, những di tích về các hố chôn tập thể tại từng nước cộng sản nay được thống kê, chụp hình, truy tìm gia phả, v.v... hiện lên mạng Internet để mọi dân tộc có thể đọc bất kỳ lúc nào họ muốn. Những bằng chứng rất cụ thể lập lại từ Âu sang Á sang Mỹ: nước nào rời bỏ nền kinh tế chỉ huy bao cấp sớm thì hết đói sớm! Và hàng vạn thứ chuyện khác nữa đã biến hầu hết các thánh thần tại Việt Nam ra mây khói, kể cả ông Hồ Chí Minh.

Nhưng nếu trong "Thời của thánh thần" mà tác giả Hoàng Minh Tường chứng kiến có những 
"quả đấm cách mạng", "quả đấm giai cấp" --- như đoạn "cải cách ruộng đất là quả đấm thép, cải tạo tư sản là quả đấm nhung, tuy không bị đấm mà đau nhừ tử, kinh hồn táng đởm đến già" (*) — thì tại thời điểm đầu thế kỷ 21, đặc biệt trong giai đoạn từ 2007 đến 2011, lại xuất hiện những "quả đấm thép" mới tinh — những “quả đấm đô la xanh”.

Đó chính là 11 tập đoàn kinh tế và tổng công ty, gom tụ từ hàng trăm công ty khác và đặt dưới trướng thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ năm 2007. Nghĩa là từ ấy tất cả các khu vực kinh doanh béo bở nay đều trở thành vùng độc quyền, một cửa. Người ta có thể kể ra một số những tên tuổi lớn như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT); Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin); Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam); Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin); Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG); Tập đoàn phát triển nhà và đô thị Việt Nam (HUD Holdings); Tập đoàn công nghiệp xây dựng Việt Nam (Songda); Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) v.v…

Dĩ nhiên tất cả các vị trí chủ chốt của các tập đoàn hay tổng công ty này đều được thủ tướng Dũng giao cho các tay chân thân tín hoặc họ hàng xa gần của ông nắm giữ. Kể từ đó, đặc biệt trong khung cảnh quảng cáo rầm rộ và đầy lạc quan trong thời kỳ mới ra đời ấy, những khối tiền khổng lồ từ ngân sách nhà nước rót vào, cộng với những số vốn vay dễ dàng từ các định chế tài chính quốc tế vì có nhà nước bảo kê, cứ ào ạt chảy vào tay các quan chức ở đỉnh các tập đoàn, chảy sang các công ty con, công ty tư doanh do con cháu họ nắm giữ. Tiền vay mượn liền được xem là "thu nhập". Các dòng tiền liền được khéo léo chuyển qua lại chòng chéo nhiều vòng để ràng buộc trách nhiệm cho an toàn (chết là chết hết – không được phản) và để nếu có bị "chống tham nhũng" thì cũng không còn biết công ty nào trách nhiệm phần tiền nào để phải nhả số tiền đó ra.

Và cũng dĩ nhiên không kém, tiền mua nhiều quyền với cả cấp dưới lẫn cấp trên, và quyền lại tạo cơ hội kiếm thêm nhiều tiền. Rồi cứ thế, tiền và quyền hỗ trợ nhau đi lên rất nhanh.

Thế là một loại thánh thần mới của thế kỷ 21 xuất hiện. Trước đây người ta chỉ đụng đến cấp số tỷ USD khi nói đến ngân sách của cả quốc gia cho cả năm. Không ai nghĩ một người Việt Nam nào, dù dân hay cán bộ, dù cán bộ thường hay ở ghế cực kỳ béo bở, lại có nổi tiền tỷ USD trong tủ riêng. Nhưng nay, theo một số nghiên cứu — đúng ra là những phỏng đoán có cơ sở (educated guess) — thì không đang chỉ có một vài mà đang có hàng chục nhà tỷ phú USD tại Việt Nam. Số triệu phú USD đã lên hàng trăm.

Nếu so với số thu nhập trung bình vài USD mỗi ngày của tuyệt đại quần chúng Việt Nam, tức những người đang sống trên mặt đất, thì các đại gia đỏ quả thật đang bay trên chín tầng mây. Cao như thế, không ở hàng "thánh thần" thì là gì!?

Nhìn từ góc cạnh xã hội, người ta cũng thấy rất nhiều người tìm đến bu quanh các gia đình thánh thần để cầu xin ơn phước như những tín đồ. Và một số người may mắn có được ban phát ơn phước thật: từ vai tài xế, làm vườn, giữ em, đến các chức năng bảo vệ, kiếm nguồn ăn chơi kín đáo, rửa tiền, v.v...

Nhưng không chỉ nhóm nhỏ “tín đồ” nêu trên biết các thánh thần ở đâu. Dân chúng cũng biết khi đi qua các “đền thờ” cực kỳ hoành tráng, nổi bật giữa đám nhà dân; và càng nhận diện dễ dàng qua các màn ăn-chơi-xài-phá của lớp con cái các thánh thần. Giới chơi xe quốc tế còn phải há hốc miệng kinh ngạc khi thấy những đời xe mới nhất, đắt tiền nhất của thế giới xuất hiện trên đường phố Hà Nội, Sài Gòn của một Việt Nam luôn đứng gần cuối các bảng sắp hạng kinh tế. Ngay cả ở Miền Trung thiếu đói quanh năm cũng có cảnh đại gia rước dâu bằng đoàn xe “khủng”. Tiệc cưới chỉ tính tiền mướn ca sĩ “hải ngoại” và mua rượu mạnh loại “nhất của thế giới” đã lên đến cả triệu đô la! Các cảnh ăn sáng ở Hà Nội trong những khách sạn năm sao dành cho ông hoàng bà chúa, rồi bay sang Ma Cao đánh bài buổi chiều, và tối về xem sexy show ở Băng Cốc cũng đã trở thành nhàm chán trong giới các cậu ấm. Có lẽ thí dụ tiêu biểu nhất là cậu “Quang béo” khét tiếng thủ đô. Quang béo là quí tử của tướng Nguyễn Đức Nhanh — một đại gia kiêm Giám đốc Công An Hà Nội. Chỉ riêng đám cưới [số 1] của cậu Quang đã kéo dài 3 ngày với khoảng 3 nghìn khách. Hầu hết những người có máu mặt, kể cả xã hội đen, trùm buôn lậu, đòi nợi thuê,... tại Hà Nội đều được nhận thiệp mời với lời yêu cầu đừng đến dự. Họ chỉ được phép “mừng vọng cháu”. Tùy theo các nợ nần tình nghĩa, mỗi phong bì “mừng vọng cháu” này nặng từ 3000 USD trở lên.

Một số “thánh thần”, như vua gỗ Bầu Đức, Bầu Long thuộc Tập đoàn Hòa Phát, nay đã sánh vai cùng các CEO của các đại công ty quốc tế với những chiếc phi cơ phản lực riêng, trị giá hàng chục triệu USD mỗi chiếc, để đi “giao dịch làm ăn”.

Thời của âm binh
Nhưng không may cho loại thánh thần đại gia. Lại một lần nữa, các vết nứt dưới chân các bệ thờ lại xuất hiện và đang lan nhanh đến xụp đổ. Lần này không phải vì thế giới cộng sản xụp đổ, nhưng do nền kinh tế toàn cầu đang đua nhau nổ bong bóng; nhiều quốc gia đua nhau phá sản chạy nợ; dân chúng các nước giàu không dám ăn xài, và hầu hết các công ty liên quốc gia thu nhỏ lại sống cầm hơi.

Trong tình trạng đó các tập đoàn kinh tế và tổng công ty Việt Nam không còn vay tiếp được các món nợ mới để khỏa lấp các món nợ cũ đã lấy ra chia nhau. Đã đến lúc các thua lỗ không còn giấu giếm được nữa và đã lên tới mức hàng tỉ USD. Thế là các quan chức có nhu cầu phải đẻ ra các con dê tế thần để chạy tội cho chính mình và biện minh cho chính sách kinh tế của cả chế độ.

Cùng lúc đó, các công ty sân sau của các quan chức, đặc biệt các công ty dính nhiều vốn vào các khu bất động sản nay không ai mua, xây dang dở phải bỏ; các công ty xuất cảng bị khựng lại vì giảm người tiêu thụ; các công ty du lịch khó kiếm khách ngoại quốc, v.v... đều đang có nhu cầu khẩn cấp về thu nhập để khỏi phá sản. Thế là các quan chức nhiều quyền tìm cách cướp đoạt từng vốn lớn của đám quan chức ít quyền hơn vì hiện nay chỉ giới đại gia mới có số gia tản đủ lớn để kẻ cướp bù vào nhu cầu của họ. Dân chúng không có mức của cải đáng cho họ cướp, ngoại trừ của cải của từng khối dân chúng gộp lại như vùng đất lớn tại Văn Giang.

Trước 2 nhu cầu kể trên, các thánh thần lớn nhỏ đang theo nhau rớt lịch bịch xuống hàng "ma quỷ", kẻ bị kéo ra tòa lãnh án viết sẵn, kẻ bị công an xông vào nhà kiếm cho ra tội, kẻ bị truy lùng và bắt cóc về từ các nước láng giềng. Tại cốt lõi, tất cả các “phạm nhân” này chỉ có 2 tội: “đang có tiền” hay “từng có tiền”. Và cứ tài sản càng nhiều tội của chủ nhân càng lớn – vì phải đủ lớn mới vét sạch được toàn bộ tài sản.

Cho nhu cầu đổ tội, lần lượt Phạm Thanh Bình và các bạn bè của “quả đấm thép” Vinashin tra tay vào còng lãnh án. Dương Chí Dũng của Vinalines phải trốn chui trốn nhủi, cuối cùng cũng đi theo số phận của Phạm Thanh Bình. Và ngoài 2 “Vina” này còn hàng loạt các tập đoàn khác cũng đang rơi rụng với các con dê tế thần khác đang bị lôi vào tù.

Cho nhu cầu cướp nhanh cướp sạch của nhau, hàng loạt các chủ ngân hàng cũng đang theo nhau vào tù, từ Bầu Kiên đến Bầu Đức, cha con Trầm Bê, Bầu Long (Hòa Phát), bầu Quang (Masan). Nối liền sau hàng “bầu” là những “thánh thần” khác cũng giàu có không kém như Lý Xuân Hải, Trần Xuân Giá, Phạm Trung Cang, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, v.v....

Ngay cả ông Nguyễn Đức Nhanh, một đại gia khoác áo công an cũng không thoát, vì... gia sản quá lớn. Nhưng có lẽ nhờ cái hàm trung tướng công an mà ông chỉ bị ép nghỉ lập tức “chờ ngày hưu” chứ chưa phải vào tù. Chưa đủ, các kẻ thù của “trung tướng” Nhanh còn cố tình xát muối bằng cách cho thay ông ở vai trò giám đốc công an Hà Nội bằng một cậu “đại tá”. Đại tá Nguyễn Đức Chung, 45 tuổi, là “con nuôi” (chữ dùng cho các con không thuộc dòng chính có đăng ký) của cựu Bộ trưởng Công an kiêm đương kim Thường trực Ban bí thư Trung Ương Lê Hồng Anh. Cánh nào muốn quét sạch nhà ông Nhanh thì đã rõ.

Có những cựu thánh thần bị biến thành vũ khí để các thế lực lớn đánh nhau qua lại. Khi cánh chủ tịch nước Trương Tấn Sang và tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ra lệnh bắt Bầu Kiên và các bầu khác thuộc cánh thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông Dũng trả đũa bằng cách xách nhiễu và đang tiến tới bước bắt giam người của phía ông Sang như các đại gia Đặng Thị Hoàng Yến và Đặng Thành Tâm.

Hiển nhiên, các thần thánh tới giờ này chưa bị vào tù đều đang hớt hải chạy tứ tán tìm nơi nương thân nhưng xem ra chẳng còn nơi nào an toàn tuyệt đối nữa. Trong lúc cuống quít cầu cứu tứ phương, có người còn chạy lộn cả vào nhà đối phương. Cụ thể như 2 chị em đại gia Hoàng Yến và Thành Tâm nêu trên. Khi hết nơi cầu cứu, họ chạy vào cầu cứu chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng mà quên khuấy ông Hùng là vây cánh lâu năm của ông Dũng. Hiện nay, ông Hùng vẫn tiếp tục làm lá chắn cho ông Dũng tại cả quốc hội và Bộ chính trị.

Nhưng dù là cánh quyền lực nào đang lôi cổ các thánh thần của cánh nào khác xuống, thì vẫn có một thành phần đang hưởng lợi từ mọi phía. Đó chính là thành phần âm binh đang được các phe cánh xử dụng làm vũ khí.

Trước hết, đây là thời làm âm binh là an toàn nhất! Không sợ bị cánh nào trả thù vì "công an chúng em chỉ làm theo lệnh trên”. Nghĩa là dốc hết trách nhiệm vào các quan lớn bên trên đã ra lệnh.

Và dù đánh đổ thánh thần của phe nào thì âm binh đều được khen thưởng trọng hậu – như trong vụ bắt Bầu Kiên mọi cánh quyền lực đều dành nhau khen ngợi công an. Dịch vụ của âm binh rất hiệu quả và trọn gói. Công an không chỉ sẵn sàng bắt giam, xông vào khám nhà, truy lùng khắp nước và ngay cả sang các nước láng giềng bắt cóc về. Khi đã bắt giữ, họ lo luôn khâu tìm cho ra tội và rất sẵn lòng gia giảm tội trạng cho vừa ý khách hàng, rồi chỉ thị luôn cho 700 báo đài lên án lập tức chứ không cần đến hệ thống tòa án.

Chẳng hạn như vụ bắt ông Bầu Kiên, sau khi công an bắt ít lâu rồi, họ mới cho biết lý do “nghi ngờ kinh doanh trái phép”. Nhưng có lẽ các thân chủ bảo tội này quá nhẹ, công an liền đẻ ra thêm 2 tội cho báo đài đăng tải, đó là “cố ý làm trái luật gây hậu quả nghiêm trọng” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Ngược lại, thoạt đầu bố con ông Trầm Bê bị khám xét và bắt giữ vì cùng loại tội như Bầu Kiên. Nhưng khi thân chủ vì lý do nào đó bảo là quá nặng, công an liền viết ngay kịch bản “bắt vì tội giữ sừng tê giác” cho báo đài đăng tải. (Dân chúng phải phì cười vì nếu thực sự đây là tội thì chắc phải bắt toàn bộ thành viên Bộ chính trị và Trung ương đảng CSVN).

Sau hết, đoàn âm binh cũng gia tăng thu nhập bằng nhiều cách, từ các món tiền hối lộ nặng kí của các cựu thánh thần để họ được đối xử nhẹ tay, ở tù có phòng lạnh với đầy đủ chế độ cơm nước và dịch vụ giải trí; đến các khoản tiền “hớt váng” trên mặt khi vào sổ sách những núi tiền, vàng, tài sản của các đại gia vừa bị bắt; và ngay cả bỏ túi những món đồ quí giá khi xông vào khám nhà các đại gia, v.v....

Rõ ràng trong tình hình ngang ngửa hiện nay, mọi phe cánh quyền lực đều có thể thắng hoặc thua, nhưng thành phần âm binh nắm chắc phần thắng trong tay. Sau giai đoạn đấu đá chí tử này, cánh công an chắc chắn sẽ “mập mạnh” hơn về mọi mặt.

Đây quả đúng là thời của âm binh.

***
Và dĩ nhiên, khi các âm binh đủ mạnh, chúng sẽ vật “lè lưỡi” các thầy pháp ở cả mọi phía để dành ngôi vị cao nhất. Chúng sẽ trở thành giới lãnh đạo mới với những đàn âm binh mới dưới trướng.

Ai không tin chỉ cần ôn lại một trường hợp tiêu biểu, đó là con đường tiến thân của cựu âm binh Nguyễn Tấn Dũng từ thời làm công an Rạch Giá đến tột đỉnh quyền lực hiện nay thì sẽ rõ.

- - -
Chi chú:
[1] Ngô Minh, "Trò Chuyện với tác giả ’Thời của thánh thần’", http://ngominh.vnweblogs.com/post/2...
[2] Nhà văn Đặng văn Sinh, tác giả của 30 tác phẩm. Trong đó tập truyện ngằn “Khúc Trương Chi” được Giải A của Ủy ban Toàn quốc các Hội VHNT Việt Nam năm 1993.
[3] Đặng văn Sinh, "Thời của thánh thần" dưới góc nhìn phản biện xã hội, http://dangvansinh.blogspot.ca/2010...
[4] (*): Về cuốn tiểu thuyết Thời của thánh thần, trang mạng tonvinhvanhoadoc.vn
[5] Không Thấy Phố! Không Thấy Nhà!
http://hoanghaithuy.wordpress.com/2...

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More