Cuối năm 2012, người ta để ý thấy hai người gần trùng tên bị nhà nước
Cộng Sản Việt Nam
truy tố . Một là Nguyễn Quốc Quân, tiến sĩ toán học, từ nước ngoài về Việt Nam,
vẫn tiếp tục bị giam giữ từ tháng 4 năm 2012; người kia là Lê Quốc Quân, luật sư,
người trong nước mới bị bắt ngày 27/12/2012.
Từ khi bị giam cầm, ông Quốc Quân họ Nguyễn đã nhiều lần tuyệt thực để
phản đối chế độ cai tù. Còn về phía nhà cầm quyền, sau nhiều tháng loay hoay
không thể tìm được lý do để duy trì tội danh “khủng bố” mà họ đã gán ghép cho
TS Quân lúc ban đầu , nên buộc phải chuyển sang tội danh mới để truy tố ông
theo điều 79 bộ luật hình sự: “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Ông Quốc Quân họ Lê thì bị truy tố về tội danh gán ghép lúc ban đầu là
trốn thuế và người ta sẽ
không ngạc nhiên khi Cộng Sản Việt Nam trong những ngày tháng tới sẽ đổi từ trốn thuế sang tội danh chẳng dính gì tới thuế như vi phạm điều 79 hay điều 88 tuyên truyền chống phá nhà nước, như họ đã từng làm với blogger Điếu Cày hay với luật gia Cù Huy Hà Vũ. Ông Quân này cũng tuyệt thực trong tù để phản đối sự bạc đãi trù dập ông ngay trong nhà tù nhỏ.
không ngạc nhiên khi Cộng Sản Việt Nam trong những ngày tháng tới sẽ đổi từ trốn thuế sang tội danh chẳng dính gì tới thuế như vi phạm điều 79 hay điều 88 tuyên truyền chống phá nhà nước, như họ đã từng làm với blogger Điếu Cày hay với luật gia Cù Huy Hà Vũ. Ông Quân này cũng tuyệt thực trong tù để phản đối sự bạc đãi trù dập ông ngay trong nhà tù nhỏ.
Cũng như các ông Cù Huy Hà Vũ,LS Lê Công Định, BS Nguyễn Đan Quế, LS
Nguyễn Văn Đài, giảng viên Phạm Minh Hoàng v.v. cả hai ông Quốc Quân này đều là
những trí thức thành công trong ngành nghề chuyên môn, mà nếu chỉ an phận với sự
thành đạt trong xã hội của mình, họ đã có một cuộc sống ấm êm bên gia đình, thoải
mái với đời sống vật chất. Nhưng họ lại được biết như những trí thức không những ưu tư trăn trở về
tình hình đất nước mà còn có cái dũng của những người dấn thân cho đời, không
ngại đi ngược lại với áp lực của bạo quyền trên con đường xây dựng một nước Việt
khá hơn, với một chế độ tử tế hơn, trong đó quyền con người và công lý phải được
tôn trọng.
Những trí thức kể trên dũng cảm ở chỗ họ biết khi lên tiếng và hành xử
theo đúng lương tâm của người biết suy nghĩ độc lập theo chuẩn mức công đạo,
ngay trong rọ của chế độ bạo quyền, nhiều phần họ sẽ mất đi sự an toàn và tự do
bản thân và gia đình. Và họ đã chuẩn bị tinh thần cho những hy sinh này.
Chắc chắn khi chuẩn bị đón nhận những đòn thù của chế độ vì sự bất đồng
chính kiến của mình, là một luật sư và đã thấy chế độ trù dập Điếu Cày như thế
nào, ông Lê Quốc Quân đã phải biết thủ kỹ doanh nghiệp của mình và gia đình,
không sơ hở để tạo cho chế độ có lý cớ để buộc tội về thuế khóa. Nhưng đối với
chế độ công an trị chuyên xử dụng luật rừng, sự thủ thân bằng cách làm đúng
theo luật lệ, theo đúng bài bản lý thuyết của các quy định luật pháp cũng chỉ
là vô ích. Người ta chưa quên câu chuyện “hai bao cao su đã qua xử dụng” tuy rất
là hài hước và lố bịch, nhưng cũng vẫn được công an dựng ra để tạo cớ bắt Cù
Huy Hà Vũ, từ đó nâng cấp lên thành điều 88. Tương tự, người ta cũng không quên
việc công an chụp mũ Việt Tân năm 2007 bằng cách gài 1 khẩu súng lục cùng 13
viên đạn vào hành lý một cặp vợ chồng Việt kiều vô can. Họ chỉ lẳng lặng thả 2
nạn nhân này về khi trò này trở thành trò cười cho cả thế giới, đặc biệt là giới
an ninh phi trường.
Người ta biết rằng, các bản cáo trạng mà Cộng Sản Việt Nam đưa ra từ
trước đến nay thường có mẫu số chung. Đó là sự trộn lẫn lộn giữa các dữ kiện thật
và những dữ kiện giả tạo được họ giàn dựng, để sắp xếp tạo nên các lý cớ buộc tội
cho có vẻ khả tín, hầu giáng xuống các nạn nhân những bản án có tính toán trước
để răn đe. Thế nhưng, dù đã được nhào nặn kỹ càng nhưng tội trạng cáo buộc cũng
vẫn quá khó hiểu đối với tiêu chuẩn đạo lý và pháp lý bình thường. Đọc bản cáo
trạng mới đây của công an đối với Ts. Nguyễn Quốc Quân, người ta không hiểu nổi
ông ấy phạm tội gì hay tại sao lại có tội -- Tại sao hướng dẫn các lớp học về cách dùng các
phương pháp đấu tranh bất bạo động để tạo các thay đổi tích cực trong xã hội là
phạm tội? Tại sao hướng dẫn về các kỹ năng lãnh đạo, an toàn vi tính là phạm tội?
[Tương tự như vậy, người ta không sao hiểu được tại sao đối với 14
Thanh Niên Yêu Nước vừa bị kết án tại Vinh, việc viết, vẽ, dán khẩu hiệu “Hoàng
Sa Trường Sa là của Việt Nam” lại là phạm tội? Tại sao bênh vực dân oan biểu
tình đòi công lý là phạm tội? Tại sao viết bài trên mạng cổ vũ dân chủ và đa
nguyên đa đảng là phạm tội? Tại sao xuống đường chống Tàu cộng xâm lược là phạm
tội? Phạm tội đối với Bắc Kinh hay Hà Nội hay cả hai? ....]
Trong thời gian tới đây, tiếp theo việc xử án nặng tay với 14 thanh
niên công giáo vừa qua, Cộng Sản Việt Nam sẽ đưa TS Nguyễn Quốc Quân ra tòa. Theo
dõi những động thái chính trị của Cộng Sản Việt Nam gần đây, người ta thấy họ đang
có ý định dùng phiên toà này để răn đe hù dọa quần chúng VN, như những cách thức
khủng bố mà họ đã làm từ trước đến nay để tạo nên sự sợ hãi bao trùm toàn xã hội,
hầu không ai dám lên tiếng hoặc vận động đấu tranh cho một nước Việt Nam nhân bản
và tiến bộ nữa. Điều này không chỉ thể hiện qua các phiên toà chính trị, mà còn
được các quan chức của đảng nêu lên trong những bài nói chuyện hay bài viết
chính thức.
Qua các bài nói chuyện của viên đại tá, phó giáo sư, TS Trần Đăng
Thanh và bài viết hoặc trả lời phỏng vấn của thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, quan
điểm chính thức và công khai của chế độ qua việc chọn quan thầy được xác định
là: “Theo thầy Bắc Kinh để còn Đảng, dù mất nước; hơn là thân thiện với Mỹ để
có nguy cơ mất Đảng độc quyền”. Do đó sẽ không ai không ngạc nhiên nếu luật sư
Quốc Quân, một trí thức đã có cơ hội nghiên cứu tại Mỹ; hoặc tiến sĩ Nguyễn Quốc
Quân, một công dân Mỹ, sẽ có thể bị tuyên án một cách nào đó để vừa răn đe quần
chúng và các lực lượng đối kháng, vừa làm vừa lòng quan thầy Bắc Kinh khi chứng
tỏ chế độ có một khoảng cách đối với Mỹ. Đặc biệt, cả 2 ông Quân đều là người đã
tham gia các cuộc biểu tình yêu nước trong năm 2011, 2012 cùng nhiều người Việt
khác căm phẫn trước hành động xâm lược của Bắc Kinh.
Quyết tâm chia sẻ những gian nan cùng với các nhà đấu tranh cho dân chủ
ở trong nước đã được TS Nguyễn Quốc Quân dặn dò với hiền thê của ông là bà Ngô
Mai Hương trước khi trờ lại Việt Nam rằng: khi làm công việc này ông đã chấp
nhận rủi ro là có thể bị tù đày, nhưng đó là điều cần thiết và xứng
đáng. Nếu không may thì đó là cách mà ông chia sẻ gian nan cùng với các
nhà dân chủ trong nước.
Nhưng 2 ông Quân không phải là biệt lệ. Thái độ bất khuất của blogger
Nguyễn Hoàng Vi khi bị công an bạo hành và cố làm nhục; thái độ ung dung tự tại,
phủ nhận những cáo buộc phi lý của chế độ, đồng thời khẳng định những việc làm
của mình là đúng đắn của Điếu Cày, Tạ Phong Tần, các thanh niên Công Giáo; hay
sự kiên trì trước sau không nao núng dù đã từng bị tù ngục như Bùi Minh Hằng,
Phạm Thanh Nghiên..., hoặc ở một bình diện rộng khắp hơn là sự đồng loạt lên tiếng
kết án nhà cầm quyền, đồng thời đòi hỏi dân chủ một cách mạnh mẽ hơn, dứt khoát
hơn của giới trí thức, của các blogger ngay sau những lời đe doạ sẽ đàn áp nghiệt
ngã hơn của ông Nguyễn Tấn Dũng; tất cả đã cho thấy một cách rõ ràng là sự sợ
hãi đang đổi bên từ phía người dân sang phía độc tài. Chế độ càng hung hãn trù
dập, thì càng có thêm người dân công khai thách thức chế độ. Sự khủng bố tinh
thần người dân của chế độ đang càng ngày càng mất hiệu nghiệm.
Khi Hà Nội đã phải giở luật rừng, giẵm đạp lên những nguyên tắc ứng xử
theo chuẩn mực luật pháp quốc tế mà họ đã ký kết tham gia, gia tăng mức độ trù
dập các tiếng nói đối lập, thậm chí những tiếng nói không đối lập mà chỉ thể hiện
lòng yêu nước, phản đối quan thầy của Đảng CSVN đang dã tâm thôn tính đất nước,
thì điều này đã lộ ra sự sợ hãi của lãnh đạo Hà Nội thể hiện dưới ba lãnh vực: (1) Sự sợ hãi của những kẻ bán nước; (2) sợ
hãi làn sóng "sống đúng quyền của mình" lan rộng trong dân; và (3) sợ
hãi về tuổi thọ sắp chấm dứt của chế độ trước những phương pháp đấu tranh ôn
hoà để tháo gỡ độc tài, một khi quá nhiều dân chúng biết và áp dụng những phương
pháp này.
Cuối cùng, chế độ Cộng Sản Việt Nam sẽ chỉ còn có sự lựa chọn giữa hai
nỗi sợ hãi chính: Một là nỗi sợ mất đi sự độc quyền, mất đi chỗ dựa Bắc Kinh,
nhưng còn có thể được người dân tha thứ cho phép hạ cánh an toàn êm thắm (như ở
Miến Điện); Hai là sợ cơn phẫn nộ của nhân dân và sự cô lập của thế giới, nếu họ
tiếp tục điên cuồng đi sâu thêm vào tội ác với người dân (như ở Libya, Syria).
Tuy không có nhiều hy vọng, nhưng trước thềm năm con Rắn, cũng nên có
lời chúc cho các đầu lãnh ở Ba Đình, Hà Nội có được sự sáng suốt lựa chọn để có
những hành xử thích hợp trong những ngày tháng sắp tới.
(Những ngày cuối năm Rồng)vũ đ
0 comments:
Đăng nhận xét