Theo báo cáo thường niên về tự do tôn giáo trên toàn thế giới
do Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc Tế Hoa Kỳ (USCIRF) công bố ngày hôm nay thì Việt
Nam là một trong các nước đã hội đủ điều kiện bị xếp vào danh sách các nước cần
quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo, gọi tắt là CPC.
Bản báo cáo thường niên năm nay của USCIRF được công bố đúng
vào ngày 30-4 đã đưa ra nhận định là trước áp lực của quốc tế, tình hình tự do
tôn giáo ở Việt nam đã có một vài tiến triển trong hơn thập niên qua nhưng hiện
vẫn còn rất xấu. Theo báo cáo, trong năm 2012, trong khi xảy ra tình trạng đấu
đá trong nội bộ đảng cộng sản, chính phủ Việt Nam đã gia tăng các biện pháp đàn
áp đối với bất cứ hoạt động nào bị coi là thách thức vai trò lãnh đạo của Đảng,
siết chặt việc kiểm soát tự do bày tỏ ý kiến, lập hội, hoạt động tôn giáo. Hà Nội
đã bỏ tù ít nhất 34 người bất đồng chính kiến, một số người phải chịu các án tù
lâu năm.
Nhà cầm quyền Việt Nam đã dựa trên những điều luật mơ hồ về
an ninh quốc gia để đàn áp các hoạt động các tôn giáo bao gồm Phật giáo, Công
giáo, Hòa Hảo, Cao Đài, Tin Lành độc lập... kể cả việc phân biệt đối xử, và dùng
vũ lực và bắt người theo đạo phải bỏ đạo, nhất là ở vùng cao dân tộc thiểu số,
nhiều người bị đánh đập và bắt bỏ tù.
Báo cáo của Ủy ban cho biết, trong các năm từ 2004 đến 2006,
khi bị xếp vào CPC, tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam đã có những cải thiện.
Việt Nam đã trả tự do cho các tù nhân, mở rộng phạm vi bảo vệ của pháp luật đối
với một số các cộng đồng tôn giáo được nhà nước thừa nhận, đặc biệt ở các vùng
thành thị. Phần lớn các lãnh đạo tôn giáo ở Việt Nam cho rằng những thay đổi
tích cực này đến từ sức ép của CPC với Việt Nam.
Trong nhiều năm qua, Ủy Ban đã liên tục yêu cầu chính phủ Hoa
Kỳ phải đưa Việt Nam vào danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn
giáo. Danh sách CPC được coi như là một biện pháp ngoại giao nhằm gây sức ép
giúp cải thiện tình hình tự do tôn giáo tại các nước mà không làm ảnh hưởng đến
các khía cạnh khác về quan hệ hai nước như thương mại, và các chương trình nhân
đạo.
0 comments:
Đăng nhận xét