Nguyễn Tường Thụy Blog
Luật sư Hà Huy Sơn vừa gửi văn thư tới Chánh tòa phúc thẩm tại
Tp HCM về nội dung kháng cáo của Nguyễn Phương Uyên đối với văn bản
HSST.
Theo đó, Ls Hà Huy Sơn cho rằng: "không có một chứng
nào được đưa ra xem xét để buộc tội Nguyễn Phương Uyên có hành vi chống Nhà
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" và "đề nghị
Tòa phúc thẩm tại thành phố HCM Tòa án nhân dân tối cao xem xét tuyên
hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án đối với Nguyễn Phương Uyên".
Sau đây là toàn bộ nội dung văn thư:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
_________
Hà Nội, ngày 25 tháng 06 năm 2013
VĂN BẢN NÊU Ý KIẾN CỦA LUẬT SƯ HÀ HUY SƠN
Về nội dung kháng cáo của Nguyễn Phương Uyên
đối với bản án HSST
Kính gửi: Chánh tòa phúc thẩm tại Tp.HCM Tòa án nhân dân
tối cao
Tôi Hà Huy Sơn, luật sư Công ty Luật TNHH Hà Sơn là người bào
chữa cho Nguyễn Phương Uyên tại phiên tòa hình sự sơ thẩm do Tòa án nhân dân
tỉnh Long An xét xử ngày 16/05/2013 tại thành phố Tân An vụ án Đinh Nguyên Kha
“Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo điều
88, Bộ luật hình sự. Ngày 24/06/2013, tôi nhận được Bản án số 37/2013/HSST ngày
16/05/2013 của Tòa án nhân dân tỉnh Long An (cấp sơ thẩm) và Thông báo “Về việc
kháng cáo” ngày 17/06/2013 của Tòa án nhân dân tỉnh Long An. Căn cứ khoản 2
điều 236 Bộ luật tố tụng hình sự 2003, tôi xin nêu ý kiến của mình về nội dung
kháng cáo của Nguyễn Phương Uyên đối với bản án như sau:
Tôi hoàn toàn đồng ý với Nguyễn Phương Uyên việc kháng cáo Bản
án số 37/2013/HSST ngày 16/05/2013 của Tòa án nhân dân tỉnh Long An cho rằng
mình không phạm tội.
Bản án số 37/2013/HSST có những vi phạm nghiêm trọng về pháp
luật:
2.1. Trái với mục đích của Pháp luật hình sự được ghi tại Lời
nói đầu, Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009, trích:
“Pháp luật hình sự là một trong những công cụ sắc bén, hữu hiệu
để đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, góp phần đắc lực vào việc bảo vệ độc
lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ
nghĩa,”
2.2. Căn cứ vào hồ sơ vụ án và diễn biễn tại phiên tòa, không có
một chứng nào được đưa ra xem xét để buộc tội Nguyễn Phương Uyên có hành vi
chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2.3. Hành vi của Nguyễn Phương Uyên phản đối Trung Quốc đang xâm
lược Tổ quốc Việt Nam và phản đối những cá nhân, tổ chức phải chịu trách nhiệm
về thực trạng của đất nước là quyền của công dân được điều 77 Hiến pháp 1992,
quy định: “Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công
dân.”;điều 53 Hiến pháp 1992, quy định: “Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà
nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước…” đây không
phải là một tội. Những hành vi của Nguyễn Phương Uyên không thuộc nội hàm của
điều 88 Bộ luật hình sự. Bản án sơ thẩm xử phạt Nguyễn Phương Uyên 06 năm tù và
03 năm quản chế theo điểm c khoản 1 điều 88, điều 92 Bộ luật hình sự là vi phạm
điều 2 Bộ luật hình sự, quy định:
“Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định mới
phải chịu trách nhiệm hình sự.”
2.4. Bản án sơ thẩm cho rằng đây là vụ án “đồng phạm có tổ
chức”, vai trò của Đinh Nguyên Kha là “người thực hành” và Nguyễn Phương Uyên
là “người giúp sức tích cực”. Nhưng “người tổ chức” là Nguyễn Thiện Thành thì
không bị bắt, không có lời khai, không có đối chất với các bị cáo và những
người làm chứng…hay nói cách khác không có chứng cứ khách quan khẳng định
Nguyễn Thiện Thành là “người tổ chức” nên không thể cáo buộc Đinh Nguyên Kha là
người thực hành và Nguyễn Phương Uyên là người giúp sức, tích cực cho ai?
2.5. Các dấu hiệu của “đồng phạm” của vụ án:
Mặt khách quan:
Uyên chỉ tham gia cùng với Kha một lần duy nhất giải tờ rơi tại
cầu vượt An Sương xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, Tp.Hồ Chí Minh. Uyên không biết gì
về nội dung tờ rơi và không chịu trách nhiệm về số lượng tờ rơi. Nói cách khác
Uyên không biết đến hậu quả (nếu có) của việc rải tờ rơi đến mức độ nào.
Mặt chủ quan: Lỗi, động cơ, mục đích
+ Về lỗi cố ý: Uyên và Kha không có nhận thức chung về hậu quả
(nếu có) về việc rải tờ rơi như phân tích ở trên (mặt khách quan) và tất nhiên
mong muốn không thể giống nhau. Về mặt ý thức, ý chí của Uyên và Kha khác nhau
nên không thể gọi là đồng phạm.
+ Động cơ, mục đích: Uyên và Kha đều không có động cơ, mục đích
chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nên không thể gọi là đồng
phạm.
Uyên không có giúp đỡ về vật chất hay tinh thần gì đối với Kha.
Tiền là do Kha nhờ đổi, xe mô tô là của Kha chở Uyên đi. Uyên và Kha cùng tham
gia việc rải tờ rơi, không có bàn bạc, không có phân công chặt chẽ chỉ là hành
vi kết hợp giản đơn. Bản án sơ thẩm xác định đây là vụ án phạm tội có tổ chức
là không đúng với khoản 3 điều 20 Bộ luật hình sự, quy định:
“Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt
chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.”
2.6. Việc rải tờ rơi xảy ra trên địa bàn Tp.Hồ Chí Minh được Tòa
án nhân dân tỉnh Long An xác định đây là vụ án phạm tội có tổ chức là tự mâu
thuẫn với khoản 4 điều 110 “thẩm quyền điều tra” và khoản 1 điều 171 “Thẩm
quyền theo lãnh thổ” Bộ luật tố tụng hình sự.
Tôi đề nghị Tòa phúc thẩm tại thành phố Hồ Chí Minh Tòa án nhân
dân tối cao xem xét tuyên hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án đối với Nguyễn
Phương Uyên./.
Người bào chữa giai đoạn sơ thẩm
Luật sư Hà Huy Sơn
1 comments:
Hoàn toàn đồng ý với Ls Hà Huy Sơn. Trong một xã hội dân chủ thật sự thì giờ này các thẩm phán, chánh án, ... của phiên xử Phương Uyên và Nguyên Kha đã phải đứng trước vành móng ngựa rồi!
Đăng nhận xét