Những năm học đại học, có một người thầy làm tôi nhớ mãi. Thầy phong độ, vui tính, gần gũi với sinh viên và dạy rất hay. Thầy rất năng động, ngoài đi dạy thầy còn mở công ty và kinh doanh bên ngoài. Bạn bè tôi, thỉnh thoảng được thầy giao việc cho làm, nhờ đó nhiều bạn có thêm tiền để trang trải chi phí. Nhiều bạn tốt nghiệp, không bị ‘gãy gánh giữa đường” cũng là nhờ thầy.
Những năm đó, giảng viên đi dạy bằng xe oto rất hiếm nhưng thầy đã đi chiếc Mecedes rất mới, bóng lộn. Và bi kịch của thầy cũng bắt nguồn từ chiếc xe này. Một lần đi công tác về ban đêm, thầy đã tông vào các cống bê tông do đơn vị thi công để cẩu thả trên đường, không rào chắn, biển báo. Cú tai nạn mạnh đến nỗi vùng ngực, mặt của thầy tổn thương rất nghiêm trọng, thầy tử vong. Gia sản của thầy tích cóp bao năm được người khác thừa kế.
Khi thầy còn sống, gần như thầy không quan tâm, không thích bàn đến chính trị và cũng không có đóng góp cho những người đấu tranh cho một xã hội tốt đẹp hơn khi họ cùng cực đủ đường, dù thấy rất giàu có, dư giả.
Hình ảnh của thầy đại diện cho một lớp người giàu ở VN, họ rất giàu nhưng không quan tâm đến chính trị, không quan tâm thúc đẩy công lý, thúc đẩy sự nghiêm minh của pháp luật. Và cuối cùng họ có thể là nạn nhân của một xã hội mà ở đó luật pháp không nghiêm. Hiện nay, nhiều doanh nhân bị khủng hoảng làm cho tán gia bại sản, điêu đứng, theo tôi, họ cũng là nạn nhân của một xã hội “bát nháo”.
Câu chuyện kiện thủy điện cũng có những bài học như vậy. Nạn nhân của thủy điện là những người dân nghèo khó, không có đủ trí lực cũng như tài lực để đi đòi công lý cho mình. Những người hoạt động xã hội cũng chỉ có tấm lòng, giải pháp, họ không có nguồn lực (nếu họ giàu, có thể họ không dấn thân vì họ có nhiều thứ để mất, điều này là rõ ràng, trừ một số ít). Lớp người giàu nắm trong tay nguồn tài lực mạnh nhưng họ không phải là người thiệt hại và họ nghĩ việc này không liên quan gì đến mình. Nếu có lòng nhân đạo, cùng lắm họ quyên góp trong các chuyến cứu trợ.
Theo tôi, vụ kiện này không chỉ mang lại công lý cho những người dân lâm nạn mà còn cho tất cả chúng ta. Chúng ta, dù giàu hay nghèo đều cùng chung sống trong một bầu không khí luật pháp. Luật pháp nghiêm, công lý được thực thi sẽ tạo ra môi trường thanh bình, an toàn cho mọi người. Công lý cần cho tất cả chúng ta, nó như môi trường sống vậy. Trong lành thì tất cả khỏe mạnh, ô nhiễm thì nhiều bệnh tật.
Vụ kiện này là một cuộc vận động dài hơi và tốn kém, nếu chỉ có những người nhiệt huyết không thì chưa đủ. Chúng ta cần sự chung tay của nhiều người, nhất là tầng lớp giàu có trong xã hội.
Theo các bạn, làm sao để tầng lớp giàu có này thấy rằng, họ cần chung tay cho một xã hội tốt đẹp hơn?
www.kienthuydien.org
http://diendanxahoidansu.wordpress.com/2013/12/01/kien-thuy-dien-nho-ve-thay/
DienDanCTM
1 comments:
Tôi đọc đến chữ auto mà viết thành "oto" thì tôi thất vọng cho một người đã tốt nghiệp đại học. Nền giáo dục ở nước CHXHCNVN như thế sao?!
Đăng nhận xét