![]() |
Nhà báo blogger Trương Duy Nhất trước phiên xử sơ thẩm hôm nay 4-3-2014 tại Đà Nẵng |
Phiên tòa sơ thẩm xử nhà báo Trương Duy Nhất, chủ trang blog
"Một góc nhìn khác", diễn ra sáng nay 4/3/2014 tại Đà Nẵng đã kết thúc
nhanh chóng sau hơn 4 tiếng đồng hồ xét xử ngắn ngủi, với bản án "bỏ túi"
sẵn dành cho ông là 2 năm tù giam.
Từ sáng sớm, hàng trăm người ủng hộ ông đã kéo tới đòi tham
dự phiên tòa được thông báo là "công khai" xét xử nhà báo blogger nổi
tiếng này. Nhưng như mọi lần trong những phiên xử các nhà bất đồng chính kiến đấu
tranh cho dân chủ nhân quyền trước đây, an ninh công an đã ngăn chận không cho
bất cứ ai vào dự phiên tòa xử "công khai" này. Chính luật sư bào chữa
đã đứng ra can thiệp đòi hỏi cho mọi người vào dự, nhưng cho đến giờ phiên tòa
bắt đầu lúc 8 giờ sáng, chỉ có 3 người thân thuộc gia đình blogger Trương Duy
Nhất gồm vợ là chị Cao Thị Xuân Phượng và con gái cùng một người em trai được vào
trong tham dự phiên xử.
Đã có cãi cọ lớn tiếng nổ ra trước cổng tòa án Đà Nẵng sáng
nay trong lúc mở ra phiên xử.
Đích thân một số thẩm phán phải ra tận cổng tòa ngăn chặn người dân đòi vào tham dự. Người
dân địa phương đã hỗ trợ cho Ls. Trần Vũ Hải đặt vấn đề với an ninh và cả các
thẩm phán có mặt như là "bảo vệ" trước cổng tòa, rằng tại sao phiên tòa nói
"công khai" mà không cho dân vào dự, và tại sao "cũng phiên tòa
như thế xét xử thiếu tướng công an Trần Văn Thanh theo điều 258 trước đây lại
được mời mọi người đến dự lại còn khuyến
khích phát nước uống miễn phí cho mọi người đến dự càng đông càng tốt, nay phiên
tòa ông Trương Duy Nhất cũng xét xử theo điều 258 lại không cho mọi người vào dự…"
Các thẩm phán hoặc bảo vệ trả lời không có thẩm quyền, trong khi chánh án lại lánh
mặt không dám ra giải quyết. Dân chúng tham dự cho rằng điều này "chứng tỏ
rằng ông chánh án biết việc cấm đoán của ông là sai pháp luật do vậy ông phải
tránh né, vì ông mà làm sai pháp luật thì còn xét xử được ai..". Theo người dân, việc
không cho người dân, bạn bè thân hữu của người bị cáo buộc vào dự phiên tòa
công khai đã là một vi phạm nhân quyền mà nhà cầm quyền hiện nay tiếp tục thực
thi. Đây cũng là điều sai trái của hệ thống chính quyền mà chính blogger Trương
Duy Nhất đã nhiều lần lên tiếng phê phán mạnh mẽ khiến ông phải bị ra tòa ngày
hôm nay.
Trong lúc mọi người trông chờ được gặp mặt blogger Trương
Duy Nhất, và những cãi vã tiếp tục xảy ra ở cổng chính, thì nhà cầm quyền đã lén
đưa anh Nhất đấn tòa bằng cổng sau và bắt đầu phiên xử.
Diễn tiến bên trong phiên tòa sáng nay, theo gia đình và luật
sư bào chữa cho biết trước tòa anh Trương Duy Nhất đã cố gắng bào chữa nhưng
anh bị ngăn chận không cho tự bào chữa cho mình. Anh luôn khẳng đình mình vô tội
và nói rằng "lẽ ra nhà nước phải tuyên dương và khen thưởng tôi chứ không
phải phạt tù tôi". Trong khi đó, luật sư bào chữa cũng cố gắng hoàn thành
trách nhiệm của mình chứng minh cáo trạng và sự luận tội của Viện Kiểm sát là
không có căn cứ.
Là một nhà báo, anh Trương Duy Nhất từng cộng tác với báo
Công an Quảng Nam Đà Nẵng và Đại Đoàn Kết nhiều năm, trước khi tuyên bố từ bỏ làm
báo nhà nước để dành thời gian chuyển sang viết blog. Trang blog có tên "Một
góc nhìn khác" của anh sau đó đã được nhiều người biết đến với số lượng
truy cập kỷ lục chỉ trong một thời gian ngắn, qua những bài viết phê phán những
chính sách sai lầm của những lãnh đạo cao cấp đảng và nhà nước. Trong bản cáo
trạng của Viện Kiểm sát đã nêu ra 12 bài viết của blogger Trương Duy Nhất nói là
có nội dung nói xấu lãnh đạo Đảng, Chính Phủ, Nhà Nước, Quốc Hội.
Theo Ls. Trần Vũ Hải cho biết, trước toà, khi luật sư nêu vấn
đề là "không có vị lãnh đạo nào có ý kiến gì về các bài viết này cả"
thì đại diện Viện kiểm sát lại quay ra nói chữa rằng "không truy tố về
hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các vị lãnh đạo và tổ chức, mà chỉ
nói rằng xâm phạm lợi ích nhà nước". Nhưng theo Ls. Hải nếu hiểu theo Hiến
pháp ghi rõ "lợi ích nhà nước là vì dân do dân hạnh phúc, dân chủ v…v…"
thì ông Trương Duy Nhất "không xâm phạm những thứ đó". Lúc ấy Viện kiểm
sát rất lúng túng không giải thích được như thế nào với bộ luật, mà nói rằng "lợi
ích nhà nước chính là đường lối chính sách của đảng và nhà nước Việt Nam bị
xuyên tạc…"
Khi luật sư yêu cầu Viện kiểm sát phải định nghĩa lại và định
nghĩa đúng theo hiến pháp. Theo Hiến pháp có ghi "nhà nước Việt Nam là nhà
nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Do dân, vì dân…", chứ có ai nói là vì "uy
tín của lãnh đạo hay đường lối của đảng và nhà nước đâu".
Đến đây thì tòa đã tìm mọi cách kết thúc phiên xử và nói rằng
để cho tòa quyết, mà không làm rõ tất cả vấn đề mà bị cáo và luật sư đưa ra.
Về sự việc này, Ls. Trần Vũ Hải cũng nhấn mạnh rằng "Uy
tín của lãnh đạo không phải được xây nên bằng những lời phê phán của
người khác mà chính bằng hành động và lời nói và kết quả làm
việc của các vị đó."
Sau đó vào khoảng 12 giờ 30, tòa tuyên án blogger Trương Duy
Nhất với bản án 2 năm tù giam tính từ
ngày bị tạm giữ.
Trong lời cuối cùng trước khi Tòa tuyên án bolgger Trương
Duy Nhất vẫn khẳng định rằng ông "vô tội'. Những việc làm của ông chỉ “góp
phần cho không khí dân chủ ở Việt Nam, góp phần giúp các nhà lãnh
đạo Việt Nam nhận thức được những vấn đề của đất nước, những suy
nghĩ của người dân…”. Ông còn bày tỏ niềm tự hào rằng “Có những loại tù mà người
ta cảm thấy ân hận hay xấu hổ, nhưng trường hợp của tôi thì tôi thấy
tự hào.”
Ngay khi bản án được tuyên bố, dư luận đã lên tiếng phản đối
và chỉ trích phiên tòa bất công này và một lần nữa cho thấy nhà cầmn quyền Hà Nội
vẫn tiếp tục theo đuổi con đường trù dập trả thù những tiếng nói bất đồng chính
kiến, đấu tranh cho dân chủ bằng những điều luật mơ hồ mờ ám như điều 258 trong
Bộ luật hình sự đang gặp phải chống đối hiện nay. Các nhà dân chủ trong dịp này
cũng bày tỏ quyết tâm đoàn kết hơn để cùng bảo vệ nhau đấu tranh cho dân chủ nhân
quyền tại VN trong những ngày tới.
Đặc biệt, ngay trong ngày hôm nay sau khi kết thúc phiên tòa,
Hoa Kỳ đã lên tiếng chỉ trích bản án dành cho blogger Trương Duy Nhất, và cho
biết Hoa Kỳ "quan ngại sâu sắc bởi việc Toà án Việt Nam kết án ông Trương
Duy Nhất."
Trong một thông cáo phổ biến hôm nay, Sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội
nói rằng "Chúng tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho Trương Duy Nhất
và các tù nhân lương tâm đồng thời cho phép người Việt Nam bày tỏ quan điểm
chính trị của họ một cách ôn hòa.". Đồng thời cho biết "Thứ trưởng
Ngoại giao Wendy Sherman đã nêu vấn đề nhân quyền với chính phủ Việt Nam trong
chuyến thăm đến Hà Nội ngày 4/3 này"...
Được biết, blogger Trương Duy Nhất đã có thông báo với luật
sư của ông là sẽ kháng cáo tới cùng. Ông khẳng định rằng “Chừng nào tôi chưa
được tự do mà còn bị còn kết tội thì tôi còn đấu tranh cho đến khi
được xóa bỏ tội danh.”
0 comments:
Đăng nhận xét