Trung Cộng sợ dân chủ Hồng Kông lây lan

Giới kiểm duyệt mạng của Trung Quốc muốn cách ly không cho dân chủ Hồng Kông lây lan

Lu Chen - Epoch Times
Hạ Vũ chuyển ngữ

Chính quyền Trung Hoa đại lục đang hết sức lo sợ cuộc biểu tình đòi dân chủ tại Hồng Kông sẽ trở thành một làn sóng và đang nỗ lực hết sức để ngăn làn sóng đó tràn vào đại lục.

Cuộc biểu tình này đã trở thành tâm điểm chú ý của toàn thế giới vào tối chủ nhật vừa qua, khi cảnh sát sử dụng khí gas và hơi cay nhằm phân tán hàng chục ngàn người biểu tình tập trung tại quận trung tâm kinh tế nhằm yêu cầu quyền bầu cử tự do. Theo thông báo của cảnh sát, có tới 87 hộp khí gas đã được xả vào đoàn người biểu tình.

Một thông tin đăng trên tiểu blog của một công dân mạng Trung Quốc đã đưa ra bình luận về vấn đề mà nhà nước Trung Quốc đang lo sợ.

“Người ta có thể thấy sự độc tài của “triều đình” (chính quyền cộng sản Trung quốc) thông qua sự bất tuân phục của những người Hồng Kông yêu chuộng hòa bình” – Dai Zhouzin, một người dân Quảng Châu viết. “Chính quyền sử dụng bạo lực để tước đoạn quyền dân chủ của người Hồng Kông, điều này khiến người dân Hồng Kông, Trung Quốc cũng như bất cứ nơi đâu trên thế giới hết sức bất bình”.
“Độc tài sẽ bị loại bỏ, nó không thể chiến thắng dân chủ”, Dai viết.

Theo tác giả, nhà bình luận và cũng là một người đã từng tham gia cuộc biểu tình của sinh viên Trung Quốc tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989, Chen Pokon: “Chính quyền cộng sản Trung Quốc luôn chặn tất cả các thông tin về yêu cầu tự do, dân chủ tại Hồng Kông cũng như Đài Loan. Họ không muốn những nhu cầu này lan truyền vào đại lục”.
“Họ không thể chấp nhận được việc làn sóng này tràn vào đại lục, tới những người dân Trung Hoa cũng đang đòi hỏi dân chủ”, Chen nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

Hỗ trợ lớn
Thông tin trên, Dai đã đăng tải thành công và vẫn còn được lưu giữ trên trang mạng “free weibo”, một trang mạng có thể lưu giữ được các thông tin trên trang Weibo (một dạng mạng xã hội giống Tweeter) tại các vùng bên ngoài Trung Hoa đại lục.

Không một bức ảnh hoặc thông tin nào về sự kiện ấn tượng nhất thế giới vào chủ nhật vừa qua được đăng tải hoặc lưu trữ tại bất kỳ một phương tiện truyền thông nào ở Trung quốc đại lục.
Những công dân mạng như Dai đã phải sử dụng các phần mềm vượt kiểm duyệt. Các sản phẩm như “Freegate”, một sản phẩm được sản xuất bởi công ty Dynamic Iternet Technology ở Mỹ, cho phép người dùng “vượt tường lửa”, làm thất bại nỗ lực kiểm duyệt được áp đặt bởi “vạn lý tường lửa”, tiếp cận được với các thông tin trên internet bên ngoài Trung hoa.

Bài viết của Dai là một trong một số lượng lớn không xác định được các thông tin phản hồi về sự kiện ở Hồng Kông. Một ví dụ về bài đăng thành công trên Free Weibo cho thấy, trong khoảng 8,5 tiếng từ 7:00 tối ngày 29/9/2014 tới 3:30 sáng ngày 30/9/2014, có khoảng hơn 100,000 bài đăng về cuộc biểu tình tại Hồng Kông đã bị cơ quan kiểm duyệt xóa khỏi mạng Weibo.

Hạn chế của FreeWeibo là không cho phép tìm kiếm sâu hơn về các bài viết. Có một số bài đăng chỉ đơn thuần tìm kiếm thông tin, số đông còn lại đều ủng hộ cuộc biểu tình dân chủ tại Hồng Kông.

Nguyên tắc phổ thông đầu phiếu
Cuộc biểu tình ở Hồng Kông bắt đầu từ làn sóng nghỉ học của học sinh, sinh viên từ 22/9/2014. Họ bắt đầu bằng việc ngồi lì trong trường và tại quận trung tâm kinh tế của Hồng Kông, yêu cầu được bầu cử tự do theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu – mỗi người một phiếu bầu.

Năm 1984, trong tuyên bố chung Trung – Anh về việc vương quốc Anh trao trả lại Hồng Kông cho nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1997 đã nêu rõ quyền bầu cử tự do cho Hồng Kông. Gần đây hơn, Bắc Kinh đã đảm bảo Hồng Kông sẽ có quyền bầu cử phổ thông đầu phiếu vào đợt bầu cử sắp tới (năm 2017) để chọn ra người lãnh đạo tối cao của thành phố.

Tuy nhiên, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhân dân Trung hoa – cơ quan lập pháp - vào ngày 31 tháng 8 vừa qua đã ban hành quyết định rằng cuộc bầu cử vào năm 2017, người dân Hồng Kông sẽ chỉ được lựa chọn những ứng cử viên do Bắc Kinh đề suất.

Quyết định này chính là nguyên nhân gây ra làn sóng phản đối dẫn đến cuộc biểu tình dân chủ đòi tự do bầu cử theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu.

Phong trào “Occupy Central” bằng tình yêu và hòa bình đã bắt đầu được chuẩn bị từ đầu năm nay để dẫn dắc sự chống đối nếu nguyên tắc phổ thông đầu phiếu không được áp dụng trong kỳ bầu cử tới. Chiến dịch bắt đầu bằng việc tổ chức các sự kiện nhằm kêu gọi người dân Hồng Kông tham gia ủng hộ.

Cuối tuần qua, hàng ngàn người dân Hồng Kông đã bắt đầu tham gia cuộc biểu tình cùng sinh viên tại quận trung tâm thương mại.

Những người tổ chức phong trào “chiếm giữ trung tâm” đã bị bắt giữ hôm chủ nhật trong lúc họ chuẩn bị khởi động chiến dịch – dự kiến vào đầu tháng 10. Tối Chủ nhật, hàng chục ngàn người đã tham gia cuộc biểu tình cho tới khi cảnh sát bắt đầu xịt hơi cay vào họ.

Biểu tình gia tăng
Mặc dù cảnh sát đã thành công trong việc giải tán đám đông vào tối chủ nhật vừa qua, hành động của họ dường như chỉ như đổ thêm dầu vào ngọn lửa đấu tranh của người Hồng Kông. Tin tức từ Hồng Kông cho thấy, ngày thứ 2 đã có nhiều người biểu tình, ở nhiều địa điểm hơn tối chủ nhật.

Liu Hai, một công dân của thành phố Giang Tây trung tâm thành phố Nam Xương, ở phía đông nam Trung Quốc, đã sử dụng phần mềm vượt kiểm duyệt để đăng tải một thông điệp kêu gọi trợ giúp Hồng Kông lên Facebook bên ngoài Trung quốc. Bài viết của cô phản ánh sự phấn kích có thể nhìn thấy được trong các thông điệp đã bị kiểm duyệt “Hãy hỗ trợ Hồng Kông, nếu bạn (những người biểu tình) lùi bước, bạn sẽ rơi vào tình trạng của chúng tôi trong tương lai!”

Trên các phương tiện truyền thông chính thống của Trung quốc, có rất ít thông tin về “Occupy Central” ngoại trừ một số thông tin chỉ trích rằng đó là những cuộc biểu tình “phi pháp”.

Ứng dụng chia sẻ hình ảnh và video phổ biến Instagram bắt đầu bị chặn từ chiều ngày chủ nhật vừa qua, khi nhà cầm quyền thấy một số hình ảnh về cuộc biểu tình đã được truyền đi, sử dụng ứng dụng này. Instagram bây giờ đã cùng với Facebook, Youtube, và Twitter trở thành những mạng xã hội bị cấm tại Trung quốc.

Người phát ngôn bộ ngoại giao Trung hoa, Hua Chunying, đã cảnh báo các nước trên thế giới “hãy thận trọng với các phát ngôn của mình”, “không được ủng hộ phong trào Occupy Central”, và “không can thiệp vào các vấn đề ở Hồng Kông” trong buổi họp báo hôm thứ 2 vừa qua.

Trong một tuyên bố rất thận trọng vào chiều thứ 2 vừa qua, phát ngôn viên của nhà trắng đã bày tỏ sự ủng hộ bầu cử tự do theo phương pháp phổ thông đầu phiếu ở Hồng Kông.

Một đốm lửa nhỏ
Theo Chen Pokong, chính quyền Trung quốc đang lúng túng trong việc xử lý tình huống này. “Đảng cộng sản không hề nghĩ rằng người dân Hồng Kông lại có những mong muốn này cũng như không thể tin rằng phong trào Occupy lại có thể có sức mạnh” – Chen nói. “Họ tin rằng, còn rất nhiều người bảo thủ ở đây cũng như có nhiều nhóm có quan điểm khác nhau. Bởi vậy, họ không thể tin phong trào này có thể lớn mạnh đến như vậy”.

“Điều đó đã thật sự đã khiến họ mất cảnh giác. Họ bị sốc, hoảng loạn và thực sự không biết cách nào để đối phó với nó”

Heng He, một bình luận viên, người thường xuyên viết bài cho thời báo Epoch giải thích vì sao anh tin rằng tình trạng ở Hồng Kông hiện tại đã đặt chính quyền Trung hoa vào thế khó xử:
“Hiện tại, chính quyền Trung cộng đang trải qua rất nhiều biến cố như việc tranh giành quyền lực nội bộ, nền kinh tế sút kém và tình trạng bất ổn xã hội” Heng He nói, “Cả đất nước đang chờ đợi một sự thay đổi lớn”.
“Củi khô có ở khắp mọi nơi và chỉ cần một đốm lửa nhỏ là có thể làm thành đám cháy lớn. Điều khiến chính quyền trung ương Trung quốc lo sợ nhất là phong trào biểu tình ở Hồng Kông sẽ lan nhanh sang đại lục và làm bùng lên đám cháy lớn ở đây” – Heng He nói.
“Nếu người dân ở Trung hoa đại lục có yêu cầu thay đổi thể chế chính trị, đòi quyền tự do dân chủ cho chính họ, đó sẽ là làm rung chuyển, thậm chí sụp đổ luật lệ của Đảng cộng sản Trung quốc”.

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More