Lê Vĩnh@S:
Trung Quốc không là siêu cường quốc và cũng
không phải là nước có khả năng thống trị trong vùng.
Ngay sau khi các hội nghị Asian ở Bắc Kinh
và G20 ở Bisbane (Úc) vào trung tuần tháng 10 vừa chấm dứt, viện nghiên cứu
Kokoda Foundation của Úc công bố một bản báo cáo cho rằng Trung Quốc có thể là
một cường quốc kinh tế, nhưng nước này sẽ không trở thành một cường quốc bao
trùm trong vùng.
Khi xem xét các yếu tố trong hướng phát triển của Trung Quốc để có
thể trở thành một siêu cường có khả năng chi phối và can thiệp hữu hiệu trên
toàn cầu để đạt được các mục tiêu của họ, thì người ta cũng thấy rằng các dự
đoán về một nước Trung Hoa có khả năng thống trị châu Á sẽ là quá sớm, nếu
không nói là không thực tế.
Các tác giả của bản báo cáo vừa kể nhận định về lập luận cho rằng, với
sự tăng trưởng kinh tế và khả năng quân sự (hiện nay) Trung Quốc vốn dĩ đã là một
cường quốc rồi, là không đứng vững. Những giới hạn của nền kinh tế Trung Quốc,
sự thiếu vắng các mối quan hệ song phương chặt chẽ và sự yếu kém về khả năng
quân sự, khiến Trung Quốc không trở thành quốc gia tiên tiến (về chính trị và
kinh tế) có ảnh hưởng bao trùm trong vùng sớm sủa được.
Với mức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm nay khoảng 7%, thấp
nhất từ 5 năm qua, tuy là mức tăng trưởng mà nhiều nước phải ghen tị, nhưng
theo các chuyên gia thì chính sự sụt giảm năng suất kinh tế này là dấu hiệu rõ
nhất cho thấy Trung Quốc không thể tiếp tục giữ được mức tăng trưởng như đã thấy.
Bản báo cáo của viện nghiên cứu Kokoda cũng cho biết, hiệu năng kinh
tế của Trung Quốc vào năm 2012 được ước đoán vào khoảng 1/5.5, tức là nếu đầu
tư 5.5 đồng thì chỉ cho ra thành phẩm có giá trị 1 đồng. Những diễn tiến và thực
tế trong kinh nghiệm phát triển kinh tế của nhiều nước Đông Á trong những năm
qua cho thấy, tỷ suất hiệu năng đó chỉ phản ánh sự phung phí lớn lao cũng như
không hiệu quả trong đầu tư kinh tế. Điều này không thể kéo dài mãi được. Kinh
tế gia Xiaolu Wang và Yixiao Zhou, đồng tác giả của luận án “'Deepening Reform
for China's Long-term Growth and Development ('Cải Cách Sâu Rộng cho Con Đường
Tăng Trưởng và Phát Triển Dài Hạn ở Trung Quốc') cũng đồng ý với nhận định vừa
kể và cho rằng: đối với nền kinh tế trung bình như của Trung Quốc thì hiệu suất
đầu tư bị sụt giảm quá nhiều, như đã diễn ra trong 10 năm qua, phản ánh tình trạng
kém hiệu năng trên con đường phát triển của Trung Quốc.
Hơn thế nữa, Trung Quốc không thể tạo ra được một bước nhảy vọt để từ
một nước có thu nhập trung bình lên hàng những quốc gia có thu nhập cao. Gia
tăng tiêu chuẩn mức sống của người dân là một đòi hỏi cần thiết để được xếp hạng
trong danh sách các quốc gia có ảnh hưởng. Làm như vậy đòi hỏi Trung Quốc phải
gia tăng rất lớn cho ngân sách an sinh xã hội, trợ cấp thất nghiệp cũng như y tế
đại chúng. Hiện nay ngân sách an sinh xã hội chỉ chiếm khoảng 10.5% và cho y tế
6.1% trong ngân sách của Trung Quốc.
Mặc dù quốc phòng chiếm đến 15% ngân sách của Trung Quốc, nhưng theo
bản báo cáo của Kokoda Foundation thì Trung Quốc cũng không thể trở thành một
siêu cường quân sự cho đến khi nào nước này có khả năng hành động mang tính quyết
định trên phạm vi toàn cầu.
Thực tế cho thấy hải quân Trung Quốc hiện nay chỉ là hải quân của
vùng nước xanh lá cây (tức vùng duyên hải của Trung Quốc và vùng phía bắc biển
Đông của Việt Nam), chứ chưa phải là hải quân nước xanh lam, tức viễn dương, để
có khả năng hoạt động toàn cầu. Vụ tìm kiếm xác chiếc máy bay MH370 của Mã Lai
(bị mất tích vào đầu tháng ba năm 2014) dưới đáy biển phía tây nước Úc và nam Ấn
Độ Dương, đã cho thấy khả năng rất giới hạn về khoa học kỹ thuật và đặc biệt là
giới hạn về khả năng của hải quân Trung Quốc. Trung Quốc phải mượn cảng Albani
(Tây Úc) để làm căn cứ tạm cho tàu bè và máy bay của họ.
Nếu so sánh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ thì sự cách biệt về các khả
năng nêu trên là “một trời một vực”. Không tính lực lượng hàng không mẫu hạm,
thì từ sau thế chiến thứ hai Hoa Kỳ đã thiết lập những căn cứ hải và không
quân, cũng như có những thoả thuận với các quốc gia thân hữu để sử dụng những
phương tiện đó, rải rác trên khắp thế giới. Trong khi Trung Quốc không có một
căn cứ nào như vậy bên ngoài lãnh thổ của họ, ngoại trừ các căn cứ nhỏ trên 3
hòn đảo thuộc Hoàng Sa và Trường Sa mà họ lấn chiếm của Việt Nam. Nếu biết rằng
tàu bè và máy bay đều chỉ có tầm hoạt động giới hạn, thì mới thấy những căn cứ
sửa chữa và tiếp liệu như Hoa Kỳ đã có quan trọng dường nào (nếu không nói là
mang tính quyết định). Ngay cả 3 căn cứ của Trung Quốc trên biển Đông vừa nêu,
tuy hiển nhiên là sự đe doạ sống còn đối với Việt Nam, nhưng đối với Hoa Kỳ thì
lại rất dễ dàng bị vô hiệu hoá bằng một cuộc tấn công từ xa mà Trung Quốc không
thể nào chống đỡ được.
Dù rằng Trung Quốc đã phát triển những vũ khí có thể gây nguy hiểm
cho lực lượng quân sự Mỹ khi tiến gần đến (lãnh thổ) Trung Quốc, nhưng thực tế
đã cho thấy Trung Quốc không có khả năng dùng toàn lực để phong toả Đài Loan hoặc
để thực hiện được một cuộc tấn công toàn lực đổ bộ xâm chiếm đảo quốc này.
Hệ quả của các cuộc tranh chấp lãnh hải với Nhật Bản và mấy nước lân
cận đã khiến Trung Quốc trở thành quốc gia không có bạn bè. Cuộc khảo sát của
viện nghiên cứu PEW vào đầu năm nay cho biết, trong số 8 quốc gia Á Châu được
khảo sát thì có đến 5 nước ác cảm đối với Trung Quốc. Sự thiếu thiện cảm này
làm giảm sút ảnh hưởng của Bắc Kinh cũng như gây trở ngại cho khả năng chi phối
các vấn đề trong vùng mà Trung Quốc mong muốn. Ông Varathan, một kinh tế gia
cao cấp của ngân hàng Mizuho (Nhật Bản) cũng đồng ý rằng, tuy Trung Quốc vẫn
đang cố gắng đổ tiền đầu tư hầu tìm kiếm bạn bè ở trong vùng, nhưng họ không có
được uy tín của quyền lực mềm mà một nước có ảnh hưởng cần phải có.
======================
Tài liệu tham khảo:
1.
Why China
won't be Asia's dominant power (https://ca.finance.yahoo.com/news/why-china-wont-asias-dominant-power-051729819.html)
2.
Search For Missing Malaysia Jet
Reveals China's Navy Vulnerability (http://www.businessinsider.com/r-search-for-mh370-reveals-a-military-vulnerability-for-china-2014-22)
3.
World Wide Aircraft Carriers (http://www.globalsecurity.org/military/world/carriers.htm)
4.
Trung Quốc có đáng sợ hay
không? (http://nguoiviettv.com/?p=20088)
0 comments:
Đăng nhận xét