Tôn giáo ở Trung Quốc: Vết nứt trong dinh thự vô thần

The Economist
Hạ Vũ chuyển ngữ

Sự tăng trưởng nhanh chóng của đạo Kito giáo đang bắt buộc chính quyền phải cân nhắc lại vấn đề tôn giáo.

Thành phố biển Triết Giang vẫn thường được gọi là Jerusalem của Trung Quốc. Được bao bọc bởi núi rừng và cách xa thủ đô Bắc Kinh, Triết Giang từ lâu đã là vùng đất của một tôn giáo mà Cộng sản Trung Quốc luôn luôn khó chịu: Kito giáo.

Ở Trung Quốc, hầu hết các thành phố cùng cấp, với khoảng 9 triệu dân, không thể có nhiều hơn mười nhà thờ Kito giáo, cho tới khi ở Triết Giang xuất hiện hàng trăm nhà thờ được trang trí theo nhiều phong cách.

Dù vậy, trong năm nay, hơn 230 nhà thờ bị cho là “xây dựng trái phép” đã bị dỡ bỏ. Những Video được đăng tải trên mạng Internet cho thấy nhiều đám đông giáo dân cố gắng kết vào nhau lập thành một lá chắn bằng người xung quanh nhà thờ của họ. Hàng chục người đã bị thương. Những bộ phim khác chiếu cảnh các tín đồ đã khóc khi cùng ôm nhau tạo thành một hình chữ thập đỏ bao quanh các tòa giáo đường. Vào tháng tư, một trong những nhà thờ lớn nhất Triết Giang đã bị dỡ bỏ hoàn toàn.
Các quan chức đã hài lòng khi gây ra xung đột giữa thành phố nổi tiếng về tư bản tự do và ý thức hệ của Đảng Cộng sản. Họ vẫn luôn nhìn nhận tôn giáo và những biểu tượng của nó là một sự lăng mạ chủ thuyết vô thần của Đảng.

Kito giáo từ lâu vẫn bị đàn áp. Dưới triều đại Mao Trạch Đông, tự do tôn giáo đã được hiến pháp Cộng sản mới công nhận (chủ yếu đề cập đến người Hồi giáo và Phật giáo Tây tạng ở phía tây đất nước). Tuy nhiên, đã có hàng triệu tín đồ Kito giáo bị hành hạ đến chết và hàng ngàn người bị đầy đến các trại lao động.

Từ khi Mao qua đời vào năm 1976, Đảng cộng sản đã từng bước cho phép nhiều tự do tôn giáo hơn. Họ cho xây dựng tới 57,000 nhà thờ ở khắp cả nước và những nhà thờ ở Triết Giang vẫn được gọi là nhà thờ “ba tự”. Những nhà thờ này, theo thuật ngữ chính thức, là các tổ chức tự cấp, tự quản và tự tổ chức hoạt động truyền thông (do đó, gần với các tổ chức nước ngoài). Họ tuyên thệ lòng trung thành với Trung Quốc và có đăng ký hoạt động với chính quyền. Tuy nhiên, những nhà thờ ở Triết Giang đều bị chống đối một cách chính thức. Hầu hết những người Kito còn sống sót sau cuộc đàn áp của Mao, cùng với những tín đồ mới, dù thế nào cũng từ chối tham gia các nhà thờ này, họ tiếp tục gặp gỡ, sinh hoạt trong các nhà thờ không được cấp phép, những nơi mà Đảng đã nhiều lần tổ chức đàn áp.

Kito giáo rất khó kiểm soát và thường xuyên trở nên khó kiểm soát hơn ở Trung Quốc. Nó lây lan nhanh chóng, xâm nhập vào cả các giới hạn mà Đảng đã đặt ra. Ranh giới giữa các nhà thờ “phi pháp” và các nhà thờ “quốc doanh” đã bị làm cho lu mờ và những người Kito giáo đã xuất hiện từ chỗ trốn, ngày càng có ảnh hưởng to lớn hơn trong xã hội. Đảng cộng sản phải tìm một cách khác để đối phó với những việc này. Thậm chí, Đảng cộng sản – tổ chức vô thần lớn nhất thế giới, còn có thể noi theo đồng chí của mình là Đảng cộng sản ở Cuba và Việt Nam cho phép đảng viên theo tôn giáo – một tín điều khác thậm chí còn quan trọng hơn – triết lý của Marx.

Bất kỳ sự thay đổi trong suy nghĩ chính thống nào về tôn giáo đều có thể có ảnh hưởng lớn tới cách Trung Quốc xử lý một loạt các thách thức trong nước. Từ những sự li khai của các phần tử Tây Tạng và người Hồi giáo Uighurs ở miền tây đất nước cho đến sự tăng trưởng nhanh chóng của các tổ chức phi chính phủ và “xã hội dân sự” ở cấp cơ sở, thường mang màu sắc tôn giáo, thứ mà nhà nước xếp vào loại cần xử lý, nhưng đang gia tăng một cách hết sức nhanh chóng.

An toàn trong những con số

Sự bùng phát về tôn giáo ở Trung quốc, đặc biệt là trong nhóm ngưới dân tộc Hán, nhóm người chiếm tới hơn 90% dân số, là một vấn đề chung.  Ngồi nhìn từ tàu cao tốc chạy qua các vùng nông thôn Trung Quốc, hành khách có thể nhìn thấy nhà thờ và chùa chiền mọc lên khắp nơi. Phật giáo đã có mặt ở Trung Quốc lâu hơn Kito giáo, cũng tăng trưởng rất nhanh chóng, như một tôn giáo dân gian. Ngày càng nhiều người Hán thực hiện các cuộc hành hương về các đền thờ Phật giáo nhằm tìm kiếm sự  giải thoát về mặt tinh thần.  Những hiện tượng này khiến nhiều cán bộ, những người không chỉ xem tôn giáo là “thuốc phiện của nhân dân” theo quan điểm của Marx mà tin rằng tôn giáo là một thứ nguy hiểm, có thể làm biến mất lòng trung thành với Đảng và chính quyền.

Nói riêng về Kito giáo, là tôn giáo gắn liền với sự xâm lấn của các đế quốc phương tây vào thế kỷ 19; do đó, cách ứng xử của Đảng với tôn giáo này cho ta một cái nhìn sắc nét về sự thay đổi trong thái độ của họ.

Rất khó để có thể dự đoán được số người Kito giáo ở Trung Quốc. Những khảo sát của chính quyền đã cố gắng để hạ thấp con số này, bỏ qua con số rất lớn những người tham gia tín ngưỡng ở các nhà thờ “phi quốc doanh”.  Ngược lại, những người Kito giáo ở nước ngoài lại thổi phồng con số này lên. Có lẽ, ở Trung Quốc có khoảng  3 triệu người công giáo và 1 triệu người tin lành vào lúc Đảng cộng sản lên nắm quyền vào năm 1949. Thông tin chính thống hiện nay đưa ra con số 23 triệu người công giáo và 40 triệu người tin lành.  Vào năm 2010, Trung tâm nghiên cứu Pew, một tổ chức của Mỹ, đã ước tính có khoảng 58 triệu người công giáo và 9 triệu người tin lành. Rất nhiều chuyên gia, cả quốc tế và trung quốc, hiện nay đã đồng tình rằng ở Trung Quốc, hiện nay có nhiều người tin lành hơn con số 87 triệu – đảng viên hùng mạnh của đảng Cộng sản. Hầu hết họ là những người phúc âm tin lành.

Khảo sát về sự tăng trưởng của Kito giáo còn phức tạp hơn. Yang Fenggang của đại học Purdue, Indiana, cho rằng: nhà thờ Kito giáo ở Trung quốc đã tăng trưởng vào khoảng 10% mỗi năm, bắt đầu từ năm 1980. Ông ước tính với xu hướng hiện nay, sẽ có khoảng 250 triệu người Trung quốc theo Kito giáo vào năm 2030, tạo nên một cộng đồng người Kito giáo lớn nhất thế giới.  Ông Yang cho hay, tốc độ tăng trưởng này cũng tương tự như ở Rome vào thời kỳ Constantine, đã mở đường cho Kito giáo trở thành một đế chế tôn giáo ở Rome.

Những năm 1980 là thời kỳ mà lòng tin vào Kito giáo tăng trưởng nhanh nhất ở các vùng nông thôn Trung Quốc, được kích thích bởi sự thất vọng về các dịch vụ y tế tại địa phương và bởi lòng tin rằng thiên chúa có thể thay thế. Vào những năm gần đây, xu hướng này đã lan tới các thành phố lớn. Nền giáo dục đã tạo ra một thế hệ Kito giáo mới. Gerda Wielander của đại học Westmenster, đã viết trong cuốn “Giá trị của Kito giáo ở đất nước cộng sản Trung Quốc”rằng: rất nhiều người Trung Quốc bị đạo Kito hấp dẫn bởi vì niềm tin vào chủ nghĩa Marx đã suy giảm, đức tin mới cung cấp một hệ thống đạo đức hoàn chỉnh với một niềm tin siêu việt.  Mọi người tìm thấy sự yên ổn trong niềm tin đó, cô cho biết thêm, đặc biệt trong thời kỳ mà mọi thứ đều chao đảo như ở Trung Quốc hiện nay.

Một số người Trung Quốc cũng phân biệt Kito giáo là gốc rễ của sức mạnh phương tây. Họ nhìn nhận Kito giáo như một sức mạnh thúc đẩy sự phát triển của công bằng xã hội, xã hội dân sự và các quy tắc của pháp luật, v.v. là tất cả những gì họ hy vọng có được ở Trung Quốc. Rất nhiều NGO mới được vận hành bởi các tín đồ Kito hoặc Phật giáo. Một con số đáng kể bác sỹ và các cử nhân Kito đã tăng lên đáng kể trong thời gian gần đây. Hơn 2000 trường tình nghĩa của đạo công giáo đã được xây dựng khắp Trung Quốc, hầu hết là rất nhỏ và, tất nhiên, không được cấp phép hoạt động.

Một nhà hoạt động vì dân quyền cho biết, trong số 50 luật sư dân quyền có tiếng nhất Trung Quốc, có tới phân nửa là người theo đạo Kito giáo. Một số người đã thành lập hiệp hội luật sư dân quyền cho những người theo đạo Kito ở Trung Quốc. Một số luật sư Kito giáo được trả lương đã cùng nhau bảo vệ các Kito hữu tại tòa án. Những nhà truyền giáo Trung Quốc đã bắt đầu sẵn sàng ra khỏi Trung Hoa để tiến tới thế giới đang phát triển.

Những lợi ích không mong đợi

Chính quyền đã có nhiều phản ứng khác nhau với trào lưu này. Ở những vùng như Triết Giang, họ triệt phá. Nhiệm vụ thực thi các chính sách về tôn giáo thường được giao cho các cán bộ địa phương, những người cho rằng, thực hiện chính sách một cách cứng rắn chính là cách thể hiện lòng trung thành với chính quyền trung ương. Yang của đại học Purdue cho biết, có tin đồn rằng việc triệt phá Kito giáo ở Triết Giang là kết quả của một trong những nỗ lực của các nhà lãnh đạo địa phương nhằm tranh sủng ái của chủ tịch Tập Cận Bình.

Tổ chức viện trợ Trung Quốc, một nhóm nhà thờ ở Mỹ cho biết, trong năm ngoái, có hơn 7.400 người bị đàn áp ở Trung Quốc. Và vẫn còn rất nhiều sự phân biệt đối xử khó nhận diện khác. Tuy nhiên, 7.400 người nêu trên chưa chiếm tới 1% số người Kito giáo ở khắp Trung Quốc. Thậm chí nếu con số này tăng lên, trong thế kỷ này, “đàn áp rõ ràng không còn là một quy tắc”, Brent Fulton của ChinaSource, một nhóm Kito giáo ở Hong Kong cho biết. Phần lớn là do nhiều quan chức nhận thấy lợi thế trong việc phát triển Kito giáo. Nhiều đại gia ở Triết Giang đã trở thành tín đồ Kito giáo – họ được gọi là “ông chủ các Kito hữu” – họ đã xây dựng những nhà thờ lớn ở thành phố. Một người đã tổ chức các cuộc họp thường xuyên vào các buổi tối, nơi các nữ doanh nhân và những phụ nữ khác tìm hiểu về  cách tiếp cận “thánh kinh” trong việc kiếm tiền. Nhiều nhóm khác được thành lập, khuyến khích nhau cùng kinh doanh một cách lương thiện, đóng thuế đầy đủ và hỗ trợ người nghèo. Rất hiếm có nơi nào ở Trung Quốc mà người ta lại xua đuổi các nhà đầu tư trong lĩnh vực của mình.

Ở một số vùng khác, các nhà lãnh đạo địa phương hoặc ủng hộ, hoặc làm ngơ vì họ nhận thấy các tín đồ Kito giáo đều là những công dân tốt. Những cam kết của họ đối với phúc lợi cho cộng đồng giúp củng cố sự ổn định tại địa phương. Ở một vài thành phố lớn, chính quyền còn tài trợ cho việc xây mới các nhà thờ “Ba Tự” ví dụ như: nhà thờ Chongyi, ở Hàng Châu, có sức chứa 5.000 người. Mục sư của các nhà thờ “Ba Tự” đã bắt đầu đàm phán với lãnh tụ của các nhà thờ Kito giáo; ngược lại, những lãnh đạo các nhà thờ Kito (thường đúng), đã không còn coi những nhà thờ “quốc doanh”  này là nơi thực hiện đầy đủ chức năng của một nhà thờ.
Phòng cho 5.000 người


Vào những năm gần đây, Đảng Cộng sản đã chuyển sự quan tâm từ những người theo đạo sang việc duy trì sự ổn định và độc quyền của Đảng.  Nếu hợp tác với các nhà thờ giúp đạt được mục tiêu trên, họ sẽ hợp tác, cho dù họ vẫn còn rất khó chịu với nguồn quyền lực thay thế này.

Vào năm 2000, Giang Trạch Dân, sau này là tổng bí thư đảng, một người từng là họa sỹ vẽ thư pháp cho các nhà thờ ở quê ông, nói trong một bài phát biểu chính thức rằng tôn giáo có lẽ vẫn sẽ tồn tại, ngay cả khi khái niệm về các lớp học và nhà nước biến mất.

Nhà nước mỗi lúc một cần sự hỗ trợ của các tín đồ tôn giáo. Trong việc đấu tranh để cải thiện chất lượng các dịch vụ xã hội, các tín đồ - cả Kito giáo và Phật giáo đều sẵn sàng và có khả năng giúp đỡ. Vào năm 2003, các nhóm tín đồ ở Hong Kong đã nhận được yêu cầu từ chính quyền Đại Lục để thành lập các tổ chức Phi chính phủ (NGO) và tổ chức tình nguyện. Trong thời đại của chủ nghĩa hưởng thụ và tham nhũng tràn lan, các hoạt động nhân bản đã tạo tiếng tốt cho nhà thờ, không chỉ thế, nó đã thuyết phục nhà cầm quyền rằng Kito hữu không ở bên ngoài chế độ đã đàn áp họ. Mặc dù vậy, đối với các nhà thờ Công giáo, tình hình phức tạp hơn:  trong quan niệm của các quan chức, trung thành với Rome vẫn được coi là dấu hiệu của sự phản bội.

Bà Wielander cho biết, bà không tin rằng xu hướng này sẽ tăng lên 10% trong nhiều năm sau. 
Tuy nhiên, bà cho rằng chính quyền hiện tại đang gia tăng sự chú ý vào sự tăng trưởng về tôn giáo trong cộng đồng người Hoa. Do đó, ở một số địa phương, chính quyền đang thay đổi thái độ và những phát ngôn chính thức (trong khi đó vẫn gây áp lực đối với các nhóm Phật giáo Tây Tạng và Hồi giáo Uighurs, những tôn giáo được cho là mối đe dọa với chính quyền trung ương). Vào tháng 5 năm ngoái, lần đầu tiên lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã đón tiếp lãnh đạo nhà thờ chánh thống Nga.

Bây giờ là thời cơ cho tất cả những người tốt...

Khi đảng Cộng sản cho phép các chủ các doanh nghiệp tư nhân gia nhập Đảng vào năm 2001, nhiều người cho rằng cũng nên để các tín đồ tôn giáo được gia nhập Đảng. Pan Yue, một nhà cải cách chính thức đã viết một bài bào về vấn đề này, có tiêu đề “Quan niệm về tôn giáo của Đảng cần theo kịp thời đại”. Một trong những tác động là quyết định của Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1990, cho phép Đảng viên được là tín đồ tôn giáo. Động thái này đã diễn ra suôn sẻ, và thậm chí còn giúp cho Việt Nam trở nên ổn định hơn sau sóng gió gần đây. Tuy vậy, ý kiến của ông Pan đã bị bác bỏ ở Trung Quốc.

Một bài báo của Trung Quốc được viết vào năm 2004 tuyên bố rằng có khoảng 3 – 4 triệu đảng viên Đảng Cộng sản đã trở thành tín đồ Kito giáo. Bất chấp điều đó, Đảng Cộng sản vẫn nghi ngờ và không thừa nhận họ một cách chính thức. Cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ tại Hong Kong gần đây gần như đã củng cố thêm nỗi sợ hãi này: một số người tổ chức là tín đồ Cơ đốc giáo. Điều này làm cho chính quyền lo ngại sự phát triển nhanh chóng của các nhà thờ có thể tạo thêm cơ hội cho sự phát triển của giáo phái quasi – Christian, thứ mà có thể - giống như phong trào Pháp luân công – trở thành vấn đề chính trị và chống lại Đảng Cộng sản. Sự sợ hãi của Đảng đối với các giáo phái cũng bắt nguồn từ lịch sử. Cuộc cách mạng Thái bình thiên quốc vào giữa thế kỷ 19, được lãnh đạo bởi một người đàn ông tự xưng là anh em của chúa Jesus, đã khiến hơn 20 triệu người chết.

Tuy nhiên một số quan chức đã trở nên thành thục trong việc đàn áp. Những con số đã được công bố ở Bắc Kinh, vào khoảng năm 2005, 2 nhà thờ lớn đã bắt đầu thuê địa điểm tổ chức các buổi lễ của họ vào các Chủ nhật. Nhà thờ lớn nhất, Shouwang, được lãnh đạo bởi Jin Tianming, tốt nghiệp học viện ưu tú Thanh Hoa Bắc Kinh. Những sự kiện này thu hút một đám đông tri thức rất lớn từ các trường đại học trong quận. Nhiều ngày Chủ nhật, có tới hơn 1.000 người tới dự các buổi lễ. Giáo dân có thể tải bài giảng từ website của nhà thờ về. Ông Jin được biết đến nhiều vì đã tranh đấu cho quyền tự do tôn giáo. Ông đã cố gắng đăng ký Shouwang như một giáo đoàn chính thống nhưng hoạt động độc lập dưới quyền quản lý của nhà thờ “quốc doanh”. 
Tuy nhiên yêu cầu này đã bị từ chối. Năm 2009, ngay trước kỳ viếng thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama, chính phủ đã buộc các chủ đất chấm dứt hợp đồng thuê nhà của nhà thờ Shouwang. Ông Jin đã đưa giáo đoàn của mình tới hoạt động tại một công viên gần đó, nơi họ tổ chức các hoạt động tín ngưỡng dưới trời tuyết.  Ông và các trưởng lão nhà thờ đã bị đặt dưới sự quản chế và nhiều giáo dân đã bị giam giữ. Họ đã vượt qua ranh giới đỏ về chính trị.

Một câu chuyện khác về một mặt khác của Bắc Kinh như sau. Tại một tòa nhà văn phòng ngay đường vành đai thứ 3 có một giáo đoàn hoạt động không có đăng ký, được biết đến là nhà thờ Zion, mục sư của giáo đoàn, ông Jin Mingri, là một người tốt nghiệp đại học Bắc Kinh. Cũng như nhà thờ Shouwang, Zion thuê toàn bộ một tầng lầu, có một hiệu sách, một quán cà phê và phát hành thẻ thành viên cùng đồ uống miễn phí cho những người tham gia tích cực. Tầng lầu này có thể chứa tới 400 người. Nó trông giống và làm ta cảm thấy như một nhà thờ ở ngoại ô nước Mỹ. Mục sư của Zion giảng bài giảng tin mừng không khoan nhượng, và may mắn là nhà thờ vẫn được mở cửa vì mục sư đã thận trọng hơn với những vấn đề nhạy cảm.

Mục sư của cả 2 nhà thờ (và lãnh tụ của nhà thờ lớn nhất Thượng Hải, trước khi bị đóng của như Shouwang vào năm 2010) là thành viên của 2.3 triệu người dân tộc thiểu số Hàn Quốc ở Trung Hoa, những người cho rằng Kito giáo hóa ở Hàn Quốc là một mô hình mà Trung Quốc nên làm theo. Cả 2 mục sư đều cùng độ tuổi và đã tham gia cuộc biểu tình Thiên An môn vào năm 1989, sự kiện đã làm tan tành niềm tin của họ vào Đảng Cộng sản và việc tìm kiếm các niềm tin tinh thần đã dẫn dắc họ tới những thay đổi sau này. Tuy nhiên, quan chức ở Bắc Kinh, cho đến nay, cảm thấy vẫn còn có thể “sống chung” với ít nhất một trong số hai người.


Cuốn sách đỏ nhỏ bé nhưng hữu ích
Ở Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, một người đàn ông tên Liu Peng đã cố gắng hỗ trợ tiến trình. Ông Liu đã đề xuất một ranh giới vừa phải để xoa dịu sự bế tắc của Shouwang. Một chứng chỉ từ văn phòng ông khẳng định rằng chủ tịch Trung Quốc, Hồ Cẩm Đào, đã hành động theo lời khuyên của ông vì theo tiêu chuẩn cho các cuộc đàn áp người bất đồng chính kiến, sự kiện của nhà thờ Shouwang là quá nhẹ.

Ông Liu, là một tín đồ Kito giáo, hiện bây giờ, bằng sáng kiến của chính ông, đang soạn thảo một văn bản mà ông hy vọng sẽ trở thành bộ luật đầu tiên của Trung Quốc về vấn đề tôn giáo. Các vấn đề về tôn giáo hiện nay chỉ được điều phối bởi các văn bản hành chính, một bộ luật như vậy có thể sẽ khiến các quan chức gặp khó khăn hơn trong việc tiến hành các cuộc đàn áp một cách tùy tiện. Ông Liu cho rằng, Đảng Cộng sản nên cho phép Đảng viên theo tôn giáo, một thời đại của sự khoan dung có thể đem lại lợi ích cho cả Đảng Cộng sản và các nhà thờ. Nên có một “thị trường tự do tôn giáo”. Tuy nhiên ông cũng thừa nhận rằng để thông qua một đạo luật như thế, cần một chặng đường dài.

Cuộc đuổi bắt táo bạo

Trong khi đó, những hành vi thách thức ngày một gia tăng. Một nhân viên cấp trung ở một thành phố lớn gần đây cho hay, việc cô theo đạo Kito giáo (mà mọi người ở văn phòng cô đều biết) không phù hợp với tư cách Đảng viên, và do đó, cô phải từ bỏ đức tin của mình. Cô đã lịch sự nói với cấp trên rằng cô không thể từ bỏ đức tin, và tự do tôn giáo được bảo vệ bởi hiến pháp Trung Hoa. Cô đã không bị sa thải nhưng được cho tham dự một khóa học khắc phục hậu quả tại một trường Đảng. Hiện tại cô đã quay trở lại làm việc và cho hay, nhiều đồng nghiệp thường tới hỏi cô về việc cầu nguyện.

Kito hữu ngày một tham gia nhiều hơn vào các hoạt động xã hội (và thậm chí chính trị). Wang Yi là một luật sư và là một blogers nổi tiếng, đã trở thành tín đồ Kito giáo vào năm 2005. Năm sau đó, ông trở thành một trong ba tín đồ Kito giáo đã gặp Tổng thống George W. Bush tại nhà trắng. Ông Wang hiện nay là mục sư của Early Rain, một nhà thờ ở Thành Đô - thành phố phía tây nam Trung Quốc. Vào ngày 1 tháng 6 năm nay, ngày quốc tế Thiếu nhi, ông và các thành viên giáo đoàn của ông đã bị bắt giữ vì phát tờ rơi phản đối chính sách một con của Trung Quốc – mà vì đó dẫn tới việc phá thai tràn lan ở đất nước này.

Năm 2013, một nhóm các nhà tri thức tham dự một hội thảo ở Oxford, nơi lần đầu tiên quy tụ các nhà tư tưởng ở lề trái, những người muốn giữ lại một số bộ phận quân bình của chủ nghĩa Mao; những tín đồ Khổng giáo mới muốn tôn vinh tư duy triết học truyền thống của Trung Hoa; và những người theo tự do mới ủng hộ chủ nghĩa tự do kinh tế và chính trị. Lần đầu tiên, những tri thức Kito giáo cũng được mời tham dự. Cuộc họp đã xuất bản một tài liệu, được gọi là sự đồng thuận Oxford, nhấn mạnh rằng trung tâm của dân tộc Trung Hoa là con người Trung Hoa, không phải chính quyền; rằng văn hóa cần đa dạng và rằng Trung Quốc cần đối xử hòa bình với các nước khác. Sự kiện này không hẳn công khai Kito giáo nhưng quan trọng là tri thức Kito giáo đã được tham gia như một thành viên. Một tóm tắt về hội thảo đã được xuất bản trên một tờ báo có ảnh hưởng ở Trung Quốc, tờ Người Miền nam, và tất cả những người tham dự đều có thể tiếp tục sống tự do ở Trung Quốc, nếu thận trọng.

Nghịch lý, như nó vẫn được biết đến, là tự do tôn giáo, nếu có thể xẩy ra, sẽ làm hại các nhà thờ Kito giáo ở 2 phương diện. Nhà thờ có thể được thể chế hóa, phát triển tốt và rồi trở nên đồi bại như đã xây ra ở Rome vào thời kỳ trung cổ và nó cũng đã xẩy ra một phần nhỏ trong nhà thờ của các doanh nhân ở Triết Giang. Hoặc là, nhà thờ, sau một thời gian dài bị đàn áp, trở thành một thành phần nhu nhược trong xã hội. Một nhà thờ nhiều tuổi ở Bắc Kinh tuyên bố, với lưu ý về sự xói mòn đức tin Kito giáo ở Tây Âu: “Nếu chúng ta hoàn toàn có tự do tôn giáo, thì nhà thờ cũng kết thúc”.

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More