Sự kiện hai người Hồi giáo cực đoan giết chết 10 nhà báo và hoạ sĩ vẽ tranh biếm hoạ tại toà soạn báo Charlie Hebdo tại Paris vào ngày 7 tháng 1 vừa qua chắc chắn sẽ dẫn đến nhiều thay đổi trong đời sống chính trị và xã hội trên thế giới, đặc biệt, ở các quốc gia Tây phương. Chắc chắn các chính phủ sẽ đặt lại vấn đề về an ninh, về các chính sách nhập cư cũng như các chính sách liên quan đến người Hồi giáo. Đối với các học giả, có một vấn đề được đặt lại: tự do ngôn luận.
Ở Tây phương, người ta xem tự do ngôn luận là một trong những quyền căn bản và quan trọng nhất trong xã hội. Cái gọi là tự do ngôn luận ấy bao gồm nhiều khía cạnh: tự do tìm kiếm thông tin, tự do diễn dịch thông tin và cuối cùng, tự do phát tán thông tin dưới mọi hình thức, từ nói đến viết, từ môi trường thực ngoài đời đến môi trường ảo của internet. Cái gọi là quyền tự do ngôn luận ấy cũng bao gồm nhiều hình thức: tán đồng hoặc phê phán và phản biện lại các chính sách của chính phủ cũng như các niềm tin của con người. Người ta xem quyền tự do ngôn luận theo cách hiểu ấy là thước đo của dân chủ. Không có tự do ngôn luận sẽ không có dân chủ.
Không có tự do ngôn luận, các quyền tự do khác, từ tự do tư tưởng đến tự do tôn giáo và tự do chính trị đều trở thành vô nghĩa.
Tuy nhiên, sau cuộc thảm sát tại Charlie Hebdo, nhiều người đặt lại vấn đề: Liệu quyền tự do ngôn luận có giới hạn hay không? Nếu có, đó là những giới hạn gì?
Câu hỏi thứ nhất, thật ra, không phải là vấn đề. Hầu như ai cũng đồng ý: cũng giống mọi thứ tự do khác, tự do ngôn luận cũng có những giới hạn của nó. Vấn đề chính nằm ở câu hỏi thứ hai: Đó là những giới hạn gì? Về phương diện lý thuyết, câu trả lời rất đơn giản: Không được xúc phạm đến người khác. Cái gọi là người khác này có hai bình diện: Một, với tư cách cá nhân, tự do ngôn luận không được quyền biến thành một sự khiêu dâm hay một sự vu khống và nhục mạ người khác; hai, với tư cách tập thể, tự do ngôn luận cũng không được quyền xúc phạm đến quyền lợi của quốc gia và những giá trị phổ quát của nhân loại. Ở cả hai bình diện, điều mà luật pháp của hầu hết các quốc gia đều nghiêm cấm là việc xúc phạm đến người khác trên cơ sở màu da hay giới tính. Liên quan đến màu da, phần lớn các quốc gia ở châu Âu đều nghiêm cấm việc tuyên truyền hay bênh vực cho chủ nghĩa phát xít, thậm chí, ở một số quốc gia, người ta còn cấm cả việc hoài nghi đối với các tội ác của Hitler và Nazi trước và trong đệ nhị thế chiến.
Việc cấm kỳ thị chủng tộc và sắc tộc cũng như kỳ thị phái tính tương đối dễ hiểu và khá rõ ràng. Chỉ có một vấn đề còn gây nhiều tranh luận là tôn giáo: Liệu người ta có quyền nhân danh tự do ngôn luận để chế giễu tín ngưỡng của người khác?
Về phương diện pháp lý, từ Hiến pháp đầu tiên của nước Mỹ (Tu chính án số 1, 1791) đến Tuyên ngôn nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (1949, điều 18 và 19), người ta đều gộp chung hai thứ quyền, tự do ngôn luận và tự do tôn giáo, lại với nhau và cho đó là những thứ quyền bất khả xâm phạm mà nhà nước không có quyền ngăn cấm hay can thiệp. Tuy nhiên, trong lịch sử, quan hệ giữa hai loại quyền này rất phức tạp. Chỉ trong mấy thập niên vừa qua, nhiều văn nghệ sĩ bị kết án và bị đe doạ khi trong tác phẩm của họ có một số chi tiết bị xem là xúc phạm đến một tôn giáo nào đó. Ví dụ tiêu biểu nhất là trường hợp của nhà văn Anh gốc Ấn Độ Salman Rushdie với cuốn tiểu thuyết The Satanic Verses được xuất bản vào năm 1988, bị giáo chủ Ayatollah Khomeini ở Iran tuyên án tử hình. Được sự giúp đỡ và bảo vệ của cảnh sát Anh, Salman Rushdie được an toàn, nhưng người dịch cuốn tiểu thuyết ấy sang tiếng Nhật thì bị bắn chết, người đứng ra xuất bản cuốn sách ấy ở Na Uy thì bị bắn bị thương.
Vấn đề quan hệ giữa tự do ngôn luận
và tự do tôn giáo lại được đặt ra một cách gay gắt hơn nhân vụ khủng bố tại tòa
báo Charlie Hebdo với câu hỏi: Liệu việc Charlie Hebdo vẽ Thiên Chúa ba ngôi
(Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần) đang ngồi thủ dâm với nhau
hay vẽ Muhammad trần truồng quỳ chổng mông, dưới đít có hình ảnh một ngôi sao màu
vàng hoặc vẽ hình một người Hồi giáo cầm kinh Koran để đỡ đạn với lời bình
“Kinh Koran như cứt, không chống được đạn” có thể chấp nhận được hay không?
Trả lời câu hỏi ấy, người ta có thể đứng trên hai bình diện: thực dụng và nguyên tắc. Từ bình diện thực dụng, người ta cho việc báo Charlie Hebdo mang Muhammad ra chế giễu là điều không những không cần thiết mà còn dại dột: Người ta đã biết trước là những người Hồi giáo sẽ phẫn nộ và một số cực đoan trong họ sẽ có những phản ứng đầy tính bạo động có thể gây nên những thiệt hại về vật chất lẫn nhân mạng. Từ bình diện nguyên tắc, người ta có thể phản đối những tính toán thực dụng vừa kể với lý do đó là một sự thỏa hiệp hèn nhát. Một sự tự do ngôn luận thực sự không thể đi đôi với những sự thỏa hiệp như thế bởi khi thỏa hiệp, người ta sẽ không còn thực sự tự do.
Nhưng từ góc độ nguyên tắc, quan niệm của các học giả cũng khác nhau.
Thứ nhất, quyền tự do ngôn luận, ở đây là tự do chế giễu và phê phán không được biến thành những lời phát biểu gây thù hận (hate speech). Nhiều bức tranh đăng trên Charlie Hebdo thuộc loại này. Hơn nữa, chúng cũng xâm phạm vào quyền tự do tín ngưỡng của người khác. Nói một cách tóm tắt, người ta xem việc xúc phạm đến người khác trên căn bản tôn giáo cũng cần bị cấm như hai trường hợp chủng tộc và phái tính. Đây chính là chính sách của nhiều quốc gia, trong đó, có Úc.
Thứ hai, một số nhà văn và học giả chủ trương ngược lại. Họ cho tôn giáo, cũng như mọi ý tưởng khác của con người, đều cần trở thành đối tượng để phê phán và chế giễu. Với họ, trong khi về phương diện siêu hình, không ai biết tôn giáo nào đúng hay hay hơn tôn giáo nào, nhưng đứng về phương diện xã hội, hầu hết các tôn giáo đều có một số khuyết điểm, ví dụ sự cực đoan hay cuồng tín, ảnh hưởng đến con người. Trong khi người ta có bổn phận tôn trọng niềm tin của người khác, người ta lại có quyền phê phán hay chế giễu những niềm tin bị xem là mê tín hay cuồng tín. Nhưng khi phê phán các niềm tin, người ta không thể tránh được cảm giác xúc phạm. Đối với Salman Rushdie, sự xúc phạm ấy chính là yếu tính của tự do ngôn luận, hay, theo lời ông, tự do phát biểu. Cả hai là một. Ông đặt câu hỏi: “Tự do phát biểu là gì?” Rồi tự trả lời: “Không có quyền tự do xúc phạm, tự do phát biểu không còn hiện hữu nữa.” (What is freedom of expression? Without the freedom of offend, it ceases to exist.)
Giữa hai quan điểm nêu trên, quan điểm nào đúng? Đó chắc chắn sẽ là một vấn đề khiến giới học giả, từ xã hội học đến luật học, tiếp tục bàn cãi.
0 comments:
Đăng nhận xét